Dù cố nhạc sĩ Phú Quang đã mãi mãi rời xa những người từng trót si mê 'Em ơi Hà Nội phố' nhưng khi nhìn lại sự nghiệp đồ sộ của ông, người ta không khỏi giật mình với số lượng hơn 600 ca khúc trong đó mảng tình khúc chiếm đa số.
Điều đáng nói, Phú Quang chỉ thực sự sáng tác khi lòng 'rung cảm', chính bởi lẽ đó nhiều người không khỏi thắc mắc về những 'em' hay những 'bóng hồng' trong âm nhạc của cố nhạc sĩ.
Những 'bóng hồng' trong âm nhạc của cố nhạc sĩ Phú Quang thường biểu hiện trong lời ca lẫn giai điệu và vô tình trở thành những hình dung sống động, hoặc giả đôi khi họ chỉ là những dòng ký ức mơ hồ được ông chắt chiu và gìn giữ qua nhiều thập niên.
1. Điều không thể nói
Điều không thể nói là một sáng tác đầu tay của cố nhạc sĩ Phú Quang. Ca khúc này ra đời khi ông mới đôi mươi và cũng là lần đầu ông trải qua những rung động ban sơ khi 'ngã vào tình yêu'.
Nhạc sĩ tài hoa từng thổ lộ về thời sinh viên khốn khó của mình khi mỗi ngày ông và các bạn chỉ được hai phần bánh bột mì luộc. Một hôm ông nhận được phần bánh thêm do một thiếu nữ âm thầm tặng. Hành động này là ngọn lửa đã nhen nhóm và ươm mầm cho mối tình đầu. Nhưng đây lại là thời điểm mà ông đang tập trung cho sự nghiệp nên ông không dám tiến xa...
'Một lời yêu thương dịu dàng, là điều anh không thể nói cùng em. Mây chiều bâng khuâng dừng chân lưng đồi ngơ ngác. Trên đường xa quê, anh đón em về một miền trời riêng ta'... , cố nhạc sĩ đã từng dồn nén ưu tư trong từng ca từ.
2. Đâu phải bởi mùa thu - Chuyện bình thường cuối cùng
Những năm đầu thập niên 90, nhạc sĩ Phú Quang rời thủ đô vào TP HCM sinh sống. Thời điểm này, một 'bóng hồng' cũng đã trở thành nguồn cảm hứng thơ ca của ông. Thời điểm này, ông đang có mối tình đẹp cùng hoa khôi của một trường phổ thông.
Cô gái được cho hoàn hảo cả ngoại hình đến tâm hồn được nhiều chàng trai si mê và theo đuổi nhưng cô đã chọn ở bên Phú Quang.
Chuyện tình cảm của cả hai thời điểm đầu bị người thân cấm cản nhưng cuối cùng gia đình cô gái cũng bị 'cảm mến' bởi sự chân thành và tử tế nơi ông.
Sau này gia đình cô sang Mỹ định cư và có ý định đón ông đi cùng nhưng ông cho biết không thể rời Việt Nam, mối tình chấm dứt trong day dứt.
Trong tâm trạng lẻ loi và u buồn, nhạc sĩ Phú Quang đã trút mọi tâm tư của mình vào chùm ca khúc '13 chuyện bình thường' trong đó nổi tiếng nhất chính là ca khúc số 3 - Đâu phải bởi mùa thu (phổ thơ Giáng Vân).
Khi nói về mối tình dang dở này, cố nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ 'Chuyện của chúng tôi không ai có lỗi cả, khuyên cô đừng day dứt mà làm gì. Cũng như lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu. Đó chỉ là chuyện của số phận'...
Sau 13 năm chia tay, ngày cô lên xe hoa cũng là lúc ông cho ra đời Chuyện bình thường cuối cùng để khép lại chùm ca khúc, cũng là cách khép lại mối tình 'hoa mộng' một thời.
Từng ca từ như 'rơi' trong nỗi day dứt nhưng thực ra đã có đôi phần bình thản... 'Có những khi về qua phố. Phố quá đông không thấy mặt người, chợt gặp mình cười như đá ngây ngô. Một sớm mai nào thấy mình trong gương, tóc mờ như sương...'
3. Mùa thu giấu em
Ca khúc Mùa thu giấu em (phổ thơ Doãn Thanh Tùng), nhạc sĩ Phú Quang dành tặng bà Trịnh Anh Thư - người vợ sau này kém ông 20 tuổi.
Cả hai tìm thấy nhau khi nhạc sĩ Phú Quang đã trải qua nửa đời người. Dù vậy, những ca từ mà ông dành cho bà chất chứa bao tình ý 'Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế, phía cuối con đường anh kịp nhận ra em. Em ào tới chợt xôn xao lá đổ, xoá nỗi cô đơn lạnh giá bên thềm...'
Lúc sinh thời, trong lần hiếm hoi tiết lộ về bà xã, nhạc sĩ Phú Quang đã không giấu nổi hạnh phúc khi cho biết bà là người chịu được tính 'ẩm ương' của nhạc sĩ. Cả hai bến duyên nhau nhờ sự cảm mến tài năng mà bà dànhh cho ông, cùng chung đam mê âm nhạc, hội hoạ và lối sống giản dị.
4. Điều giản dị
Có đôi khi, những 'bóng hồng' trong các tình khúc của nhạc sĩ Phú Quang chỉ là những hình ảnh thoáng qua mà ông kịp 'ghi lại' trong ký ức của mình.
Ca khúc Điều giản dị là một khoảnh khắc như vậy khi nó ra đời vào thời điểm ông được nhờ sáng tác một bài hát cho một bộ phim.
Đang 'rối' vì chưa biết sáng tác từ đâu, ông được xem những thước hình nghệ sĩ Lê Khanh đang bước qua những rặng bạch đàn ở Vĩnh Phúc. Đập vào mắt người nhạc sĩ đa tình chính là những giọt nắng xuyên qua tán bạch đàn và đang nhảy nhót trên những tán cây.
Và câu hát 'Dịu dàng hạt nắng đùa nhẹ trên áo, đôi môi em gọi bao khát khao, mắt em vời vợi đăm đắm trời cao...' đã ra đời từ đó!
Đã từng lên tiếng khẳng định giữa mình và nghệ sĩ Lê Khanh không tồn tại 'cái gọi là tình yêu' nhưng ông đã tự khơi nguồn cảm xúc và cho ra đời những ca từ đầy mùi mẫn.
'Tôi có hàng trăm bài hát, mỗi bài mà gắn với một cô thì tôi còn gầy hơn Đỗ Trung Quân', cố nhạc sĩ Phú Quang từng hài hước chia sẻ.
5. Sẽ một mình thôi
Thứ âm nhạc của Phú Quang vô cùng đặc biệt khi nó không chỉ trầm lắng, hồi tưởng mà còn da diết, man mác buồn... khiến người nghe như nhớ từng ca từ.
Vốn khá 'khó tính' trong âm nhạc khi ông là người không thích ai hát sai nhạc hay quên lời bài hát của mình, không thích ai 'bóp méo' giai điệu của mình, nên những 'nàng thơ' từng thể hiện thành công các ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang khá hiếm. Điểm mặt cũng đủ nhớ tên như: Hồng Nhung, Thanh Lam, Ngọc Anh 3A, Minh Chuyên, Khánh Ly...
Thời điểm năm 2017, khi ca khúc Sẽ một mình thôi ra đời, lúc này nhạc sĩ Phú Quang chưa biết sẽ giao cho ca sĩ nào.
Lúc này tình cờ ông nghe lại giọng Khánh Ly văng vẳng trong băng Sơn Ca 7, bỗng chốc ông nhận ra không ai có thể hợp với tình khúc này hơn Khánh Ly.
'Đó là người đã thổi hồn và những lời thơ đẹp và buồn, hoà với hồn Hà Nội khiến trong lòng tôi Hà Nội bỗng như thơ hơn, đẹp hơn, ấm áp hơn, đáng yêu hơn... Tại sao những người đáng yêu như thế, những người đã cho cuộc đời này biết bao an ủi và ấm áp, những người đã dâng hiến trái tim đẹp nhân ái lại phải ra đi...', ca sĩ Khánh Ly ngậm ngùi hồi tưởng về cố nhạc sĩ Phú Quang sau khi nghe tin ông qua đời.