Cuộc đời năng động của nhạc sĩ đa tài
Nhạc sĩ Phú Quang có tên thật là Nguyễn Phú Quang (người Hà Nội nhưng sinh ra tại Cẩm Khê, Phú Thọ năm 1949 do gia đình tản cư kháng Pháp, 5 tuổi ông và gia đình trở về Hà Nội).
Năm 18 tuổi, ông tốt nghiệp hệ Trung cấp Kèn Cor tại trường Âm nhạc Việt Nam (sau đổi thành Nhạc viện Hà Nội và cuối cùng là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Thời gian này, ông làm nhạc công tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam từ năm 1967 - 1978.
Sau khi tốt nghiệp, Nhạc sĩ Phú Quang đầu quân về Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Năm 1985 là bước ngoặt lớn của cuộc đời khi nhạc sĩ Phú Quang quyết định Nam tiến. Thời gian này, nhạc sĩ Phú Quang đã trải qua nhiều chặng đường công tác khi từ Phòng Ca múa nhạc Sở Văn hóa Thông tin TP HCM, ông cộng tác với Nhà hát Giao hưởng TP HCM...
17 tuổi, nhạc sĩ Phú Quang đã có tác phẩm đầu tay nhưng ông chỉ thực sự nổi tiếng sau khi Em ơi Hà Nội phố năm 1986 chính thức 'ra đời'.
Đây được xem là tình khúc đáp ứng mọi yêu cầu về nghệ thuật lẫn đại chúng, Em ơi Hà Nội phố đã đưa Phú Quang lên 'đài danh vọng' và bền bỉ đứng vững ở đó trong lòng khán giả, được lấp đầy bởi hàng loạt những tác phẩm đồ sộ khác như Nỗi nhớ mùa đông, Thương lắm tóc dài ơi, Đâu phải bởi mùa thu, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Hà Nội ngày trở về...
Vào những năm thập niên 90, giữa Sài Gòn, nhạc sĩ Phú Quang đã vẽ nên một bức tranh về Hà Nội sinh động và rực rỡ sắc màu với những đêm nhạc như 'Ký ức Hà Nội phố'; 'Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long'... Có lẽ chính bởi sự xa cách đã khơi nguồn cảm xúc bất tận để Phú Quang cho ra đời nhiều tình khúc về quê hương, về thủ đô Hà Nội mà ông từng coi là 'yêu và nhớ đến quay quắt, cháy lòng'...
Những năm đầu 80 của thế kỷ trước, Phú Quang cũng chính là nhà sáng lập và nhạc trưởng của dàn nhạc nhẹ thính phòng mang tên Mùa Thu - chuyên trình tấu những bản nhạc không lời chuyển soạn từ nhiều ca khúc nổi tiếng và đây cũng chính là ký ức, kỷ niệm đẹp trong lòng nhiều khán giả.
Nhạc sĩ Phú Quang là một nhạc sĩ được đào tạo bài bản và là tấm gương lao động miệt mài vì nghệ thuật.
Một trong những điều tiếc nuối nhất dành cho nhạc sĩ Phú Quang chính là việc ông không được đào tạo ở nước ngoài như nhiều người làm nghề may mắn khác.
Gia tài âm nhạc đồ sộ
Nhạc sĩ Phú Quang sở hữu 500-600 ca khúc và có khoảng trên dưới 100 bài thường xuyên vang lên trong các đêm nhạc riêng chung, phủ sóng phát thanh truyền hình.
Một loạt các tình khúc nổi tiếng bất hủ của nhạc sĩ Phú Quang như: Em ơi Hà Nội phố, Khúc mùa thu, Đâu phải bởi mùa thu, Biển của thời đã mất, Nỗi nhớ mùa đông, Trong miền ký ức, Mùa hạ còn đâu, Dạ khúc, Biển nỗi nhớ và em, Nỗi nhớ, Im lặng đêm Hà Nội, Chiều hoang, Tình khúc 24, Cõi người...
Mang âm hưởng trong veo, thuần khiết với những rung động trong nội tâm, nhiều trích đoạn hòa tấu của nhạc sĩ Phú Quang được dùng làm nhạc hiệu, nhạc nền cho chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt mấy chục năm.
Âm nhạc của ông cũng được sử dụng cho một số bộ phim truyền hình dài tập như Ông cố vấn, Dốc tình...
Những ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang đã phần là tình khúc - gồm tình ca và cả tự tình về Hà Nội. Cũng chính bởi lẽ đó mà ông được các thính giả ưu ái gọi tên ông là 'nhạc sĩ của Hà Nội, của tình yêu'.
Những tình khúc của nhạc sĩ Phú Quang đều khơi gợi từ những tình yêu có thật trong đời cộng hưởng cùng với ước mơ, khát vọng mà ông cho là 'liên quan đến sự thật', về ám ảnh khi nói đến sự mong manh mất mát, về sự bất biến của tình yêu.
Dù khá khiêm tốn khi tự nhận âm nhạc của ông 'đến muộn, làm 10 thì may ra được ghi nhận 3,4', nhưng trên thực tế, những người nghe nhạc và yêu mến âm nhạc của Phú Quang đều cảm giác đó là thứ âm nhạc đẹp và lãng mạn, êm dịu và dễ nghe dễ nhớ. Thứ âm nhạc ấy là sự hòa trộn giữa cái cũ và cái mới, hợp với thị dân... Bởi thế gian này ai chẳng yêu thích những câu chuyện tình mùi mẫn và những bản tình ca đầy day dứt mà không sa vào bi lụy?
Nhạc sĩ Phú Quang cũng được xem là một trong những nhạc sĩ phổ thơ thành công nhất Việt Nam, ông thỉnh thoảng tự viết lời theo một tone giọng quen thuộc để rồi thổi hồn vào nó.
Cuộc hội ngộ 'vội vã trở về rồi vội vã ra đi'...
Vốn là người thích bày tỏ và muốn được trải lòng, ông luôn muốn chia sẻ về các mối quan hệ, về thế giới quan và nhân sinh quan của mình đến với mọi người.
'Về lại phố xưa' năm 2008 ở độ tuổi 59 sau 23 năm ngụ cư ở Sài Gòn, Phú Quang đã 'thỏa ước nguyện' khi được trở về Hà Nội - nơi mà ông coi là tình yêu lớn nhất.
Trước khi mãi mãi vĩnh biệt cõi đời, niềm an ủi lớn lao dành cho nhạc sĩ tài hoa chính là giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội hạng mục Giải thưởng Lớn - hạng mục quan trọng nhất của giải này. Đây được xem là 'phần thưởng' lớn nhất dành cho Phú Quang sau nhiều năm ươm mầm, cống hiến vì nghệ thuật.
Dù đã chăm chỉ tập luyện và kết hợp dùng các loại thuốc đông tây y, nhưng bệnh tình của nhạc sĩ vẫn không tiến triển. Đến đầu tháng 4/2020 nhạc sĩ Phú Quang nhập viện trong tình trạng nặng.
Vợ nhạc sĩ Phú Quang mới đây đã nghẹn ngào báo tin buồn cho biết ông qua đời ở tuổi 72 vào lúc 8h45 sáng 8/12, sau gần hai năm nằm viện vì biến chứng bệnh tiểu đường.
Trước khi nhập viện, dù sức khỏe không tốt nhưng ông vẫn miệt mài làm việc. Dù đôi lúc đãng trí những việc thường nhật nhưng ông lại nhớ như in từng câu chuyện âm nhạc.
Sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang là một sự mất mát và nỗi đau quá lớn đối với những người thân thiết, bạn bè và các khán giả đã 'lỡ si mê âm nhạc' của ông.
'Hội ngộ rồi chia ly', cuộc hội ngộ đầy ngắn ngủi của nhạc sĩ Phú Quang và 'Hà Nội phố' đã đến ngày 'giã biệt' thật rồi. Không còn hình ảnh 'người nhạc sĩ lang thang hoài trên phố' nữa... Cuộc ra đi đầy vội vã của nhạc sĩ đa tài, đa tình, đa sầu của Hà Nội đã để lại trong lòng những khán giả ái mộ ông khoảng trống khó lòng bù đắp nổi.
Xin nghiêng mình kính cẩn thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh - người nhạc sĩ của Hà Nội, của tình yêu và nỗi nhớ...