Truyền thông nhà nước Trung Quốc-Triều Tiên đối đầu nhau gay gắt hôm 4/5, trong khi chính phủ Trung Quốc tỏ ra "không hay biết" về căng thẳng leo thang giữa hai bên.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 3/5 đăng bài bình luận chỉ trích đích danh Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh nên biết ơn vì đã được Triều Tiên "che chắn, đồng thời cảnh báo "hậu quả nghiêm trọng" nếu nước này tiếp tục thách thức sự kiên nhẫn của Bình Nhưỡng.
KCNA viết rằng Trung Quốc đã vượt qua "giới hạn đỏ" trong quan hệ song phương khi thúc đẩy các biện pháp cứng rắn hơn nhằm kiềm chế, ép Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Hãng tin Triều Tiên nhấn mạnh Bình Nhưỡng "không bao giờ xin xỏ tình hữu nghị" với Bắc Kinh.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 4/5 đánh giá động thái của Triều Tiên là "hiếm thấy".
Một quan chức giấu tên của Bộ này nhận xét, "Triều Tiên dường như phản ứng gay gắt khi Trung Quốc cùng các bên khác gửi thông điệp phản đối những tuyên bố thách thức về tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng".
Cùng ngày 4/5, phản ứng trước lời chỉ trích mạnh mẽ của phía Triều Tiên, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: "Lập trường của Trung Quốc về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là rõ ràng và kiên quyết, cũng như lập trường của chúng tôi về phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp với CHDCND Triều Tiên".
Theo ông Cảnh, trong nhiều năm, Trung Quốc đã đánh giá và xử lý các vấn đề liên quan trên cơ sở công bằng và khách quan. Ông kêu gọi các bên liên quan phát huy vai trò thiết thực và có trách nhiệm để gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu - một tờ báo nhà nước của Trung Quốc - ngày 4/5 thẳng thừng gọi bài viết của KCNA "không hơn một tuyên bố hung hăng tràn đầy tham vọng dân tộc chủ nghĩa".
Theo tờ này, rõ ràng Bình Nhưỡng đang vật lộn với những lập luận phi lý về chương trình hạt nhân của họ, và Bắc Kinh "cần làm cho Triều Tiên nhận thức rằng Trung Quốc sẽ phản ứng theo cách chưa từng thấy nếu họ thử hạt nhân một lần nữa".
"Càng có nhiều những bài bình luận như vừa rồi của KCNA thì xã hội Trung Quốc càng dễ biết được Bình Nhưỡng nghĩ thế nào, và mức độ khó khăn để giải quyết vấn đề hạt nhân ra sao," Hoàn Cầu nói.