Ngay khi đăng tải, bài đăng này đã nhận được hơn 2.000 lượt likes cùng rất nhiều bình luận và chia sẻ. Thông qua bài chia sẻ của chị Nguyệt nhé, mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề phân tôm cũng như gạch tôm.
Theo khoa học, gạch tôm cũng như gạch cua, đây chính là nơi chứa các tế bào sinh dục và đối với tôm thì nó tập trung ở phần đầu. Đối với con đực nó là toàn bộ hệ thống sinh tinh để duy trì nòi giống. Đối với con cái thì phần gạch chính là buồng trứng của nó.
Khi trứng chín sẽ chuyển xuống bụng/yếm của nó khi đến mùa sinh sản, trứng sẽ được thụ tinh và được bảo vệ một thời gian trong bụng con cái, sau khi nở thành công sẽ được đưa ra môi trường nước bên ngoài.
Còn phần phân tôm cũng nằm ở trên đầu, nó nằm trọn vẹn trong một cái túi nhỏ xíu như bao tử nối liền với ruột (phần chỉ đen trên sống lưng tôm chạy dài xuống đuôi).
Theo chị Nguyệt, tôm sông tự nhiên thì phần bao tử tôm rất nhỏ và hầu như không thấy phân, nhưng tôm nuôi thì ngược lại, rất dễ nhìn thấy phần phân màu đen trên đầu nhất là khi tôm chín bóc vỏ ra thì phần này sẽ cứng lại nằm tròn vo trong cái túi bao tử bé như đầu đũa nhỏ.
Khác với phân tôm, gạch tôm có màu vàng hoặc cam, vị thì rất béo. Tôm có vỏ xanh càng đậm thì màu gạch càng đẹp. Gạch tôm cũng giống như mùi sầu riêng, người này nói thơm người kia nói mùi khó ngửi.