Ngày 21/6, Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia đã chỉ trích mạnh mẽ cái gọi là "ngư trường truyền thống" của Trung Quốc quanh đảo Natuna của Indonesia.
Bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia. Ảnh: CNA |
Tờ Channel News Asia (CNA) dẫn lời bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia tại buổi họp báo hôm 21/6: “Chúng tôi hoàn toàn không nhận thức, hay biết về sự tồn tại và không thừa nhận yêu sách của quốc gia nào đó khi tuyên bố có một ngư trường truyền thống trong EEZ của Indonesia; ngoại trừ một khu vực chúng tôi đã ký với Malaysia tại eo Malacca”.
Trước đó, Indonesia và Trung Quốc đã rơi vào căng thẳng sau khi Hải quân Indonesia bắn cảnh cáo tàu cá Trung Quốc tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna hôm 17/6 và bắt giam một số thuyền viên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng sau vụ đụng độ: "Trung Quốc và Indonesia có những tuyên bố chồng lấn về lợi ích cũng như quyền hàng hải”. Trước đó, Bắc Kinh khăng khăng khẳng định tàu cá Trung Quốc “hoạt động trong ngư trường truyền thống của nước này”.
Tại cuộc họp báo hôm 21/6, bà Susi Pudjiastuti nói phía Trung Quốc trước đó đã nhiều lần tuyên bố không có tranh chấp gì với Indonesia, điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.
Jakarta và Bắc Kinh không có bất kỳ hiệp định phối hợp hành động nào trong một vùng biển cụ thể, do đó, các tàu cá của Trung Quốc đánh bắt trái phép trong biển của Indonesia sẽ bị xử lý như tàu của các nước khác.
“Một lần nữa, tôi khẳng định chúng tôi không quan tâm tàu đó của nước nào, loại tàu gì hay ai sở hữu. Nếu các người ăn trộm cá của chúng tôi, tôi cam đoan chúng tôi, cùng với lực lượng chấp pháp, sẽ không xem nhẹ chuyện này. Indonesia sẽ không xem xét quan hệ giữa các nước khi giải quyết vấn đề. Những gì chúng tôi thấy là sự vi phạm nghiêm trọng”.
Còn chỉ huy Hạm đội phía Tây của Hải quân Indonesia, Chuẩn Đô đốc A Taufiq R nhận định, sự xuất hiện của các tàu hải cảnh Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang lăm le “đánh dấu lãnh thổ” trong vùng biển này.
Theo CNA, Trung Quốc thường sử dụng luận điệu "ngư trường truyền thống" để bao biện cho hành động đánh bắt trái phép của mình tại EEZ của nước khác.
Tính từ tháng 10/2015, Jakarta đã đánh chìm tổng cộng 176 tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép tại vùng biển của mình. Bà Susi cho biết nước này sẽ đánh chìm thêm ít nhất 30 tàu cá nữa trong ngày 9 và 10/7.
Bảo Linh (tổng hợp)