Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cam kết khuyến khích Philippines nối lại đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp hàng hải trên Biển Đông.
Ông John Kerry ngày 26/7 nói đã đến lúc phải "rời xa những căng thẳng chung và sang trang" cho tranh chấp Biển Đông, cam kết sẽ khuyến khích Philippines nối lại đàm phán với Trung Quốc.
Ý kiến của ông Kerry tại thủ đô Vientiane của Lào theo sau tuyên bố chung giữa Trung Quốc và ASEAN hôm 25/7 đối với các tranh chấp lãnh thổ trên biển. Tuyên bố Trung Quốc - ASEAN cho thấy nỗ lực của các nước lớn nhằm giảm bớt sự đối đầu quanh phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực PCA đưa ra hôm 12/7 tại The Hague mà chủ yếu chống lại Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho biết họ vẫn sẽ thấy được nhiều nỗ lực từ tất cả các bên để xây dựng lại niềm tin và thăm dò nền tảng chung trước khi các cuộc đàm phán có ý nghĩa có thể diễn ra.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Reuters |
Tại cuộc họp hôm 25/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với ông Kerry rằng Trung Quốc hy vọng "Mỹ sẽ có các bước đi để hỗ trợ nối lại đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines, hỗ trợ những nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực".
Ông Kerry nói rằng Bắc Kinh và Manila đã bày tỏ mong muốn sẵn sàng đàm phán sau khi phán quyết được đưa ra. Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông sẽ khuyến khích tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khi họ gặp nhau tại Manila hôm nay, 27/7 để tham gia vào các cuộc đối thoại và đàm phán với Trung Quốc nhằm giải quyết tranh chấp.
"Hy vọng điều này có thể trở thành khoảnh khắc mà tất cả chúng ta có thể tận dụng để làm việc, làm sao tìm được phương thức xử lý? Làm sao để giải quyết các nguồn tài nguyên thiên nhiên? Làm sao để giải quyết việc đi lại tự do của tàu thuyền và bảo vệ quyền của tất cả các bên?", ông Kerry nói.
"Đây có thể là khoảnh khắc rất quan trọng về cách chuyển biến của cuộc thảo luận này, không phải thông qua những thách thức và động thái đơn phương công khai nào mà là thông qua một cách thức ngoại giao, thận trọng và mang tính xây dựng".
Lặp lại lời ông Vương, ông Kerry nói rằng Mỹ cũng đồng ý "rời xa căng thẳng chung" để "sang trang" sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao, hòa bình.
Mỹ không có đứng về phía nào trong các tranh chấp nhưng tin rằng "sự cai trị của luật pháp phải được tôn trọng", ông Kerry nói.
Trung Quốc cho biết họ sẽ bỏ qua phán quyết của tòa, điều mà họ coi là bất hợp pháp.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết hôm 25/7, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice nói rằng các quan chức Trung Quốc rằng các nước nên làm việc để giảm căng thẳng ở Biển Đông nhưng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động quân sự tại đó. Điều này khiến Bắc Kinh nổi giận.
Xu Liping, một nhà nghiên cứu Đông Nam Á cấp cao tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói rằng cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN "có thể là điểm khởi đầu để xuống thang căng thẳng tại Biển Đông".
Bước tiếp theo là xây dựng lại lòng tin lẫn nhau thông qua các cuộc đàm phán, ông nhận định.
Tuy nhiên, theo Xie Yanmei, một nhà phân tích cấp cao thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho dù thế nào thì việc bắt đầu đàm phán dựa trên kết quả phán quyết của tòa trọng cũng sẽ là trở ngại lớn nhất trong các cuộc đàm phán tương lai giữa Manila và Bắc Kinh.
Ông Xie nói rằng "Nền tảng chung cho bất cứ cuộc đàm phán hiệu quả nào dựa vào đó cũng vẫn còn thiếu" mặc dù Trung Quốc không có khả năng cải tạo bãi cạn Scarborough sớm.
"Trung Quốc sẽ không làm bất cứ điều gì để gia tăng căng thẳng, đặc biệt là trước thềm hội nghị G20 mà nước này tổ chức năm nay", ông Xie nói.
Zhang Mingliang, giáo sư tại ĐH Tế Nam, Quảng Châu, Trung Quốc nói rằng sự nổi tiếng của ông Duterte có thể cho phép ông này linh hoạt trong các cuộc đàm phán nhưng cuộc bầu cử sắp tới tại Malaysia và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc tại Indonesia và Việt Nam khiến họ có ít khả năng lùi bước.
Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho biết Việt Nam có ý định giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại Biển Đông thông qua đàm phán song phương nhưng không loại trừ việc áp dụng luật pháp quốc tế.
Bảo Linh (AP)