Tin mới

Tuyên bố chung của ASEAN không nhắc đến phán quyết Biển Đông

Thứ hai, 25/07/2016, 14:45 (GMT+7)

Tuyên bố chung của ASEAN không hề đề cập đến phán quyết "đường lưỡi bò" mà Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đưa ra hôm 12/7.

Tuyên bố chung của ASEAN không hề đề cập đến phán quyết "đường lưỡi bò" mà Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đưa ra hôm 12/7.

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á hôm nay (25/7) ra tuyên bố chung nhắc lại rằng họ "quan ngại sâu sắc" về "sự cải tạo đất và các hoạt động leo thang", kêu gọi các bên tự kiềm chế ở Biển Đông.

Tuy nhiên, bản tuyên bố này không hề nhắc đến Trung Quốc hay phán quyết từ Tòa Trọng tài về "đường lưỡi bò".

Tuyên bố chung được đưa ra sau khi những cuộc đàm phán vào phút chót tìm được cách vượt qua sự bế tắc.

Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith (giữa) phát biểu trong phiên toàn thể hội nghị các ngoại trưởng ASEAN ngày 24/7. Ảnh: AP

"Chúng tôi chỉ muốn tránh nguy cơ sụp đổ", một nhà ngoại giao ASEAN cho biết, nhắc đến sự việc năm 2012.  Trong vai trò là chủ tịch ASEAN hồi năm 2012, Campuchia đã từ chối đề cập đến những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến hiệp hội lần đầu tiên không thể đưa ra tuyên bố chung khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh.

"Đó là một tuyên bố thỏa hiệp. Và trong một tuyên bố thỏa hiệp, ai đó phải nhường đường", một nhà ngoại giao khác nói.

Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN đã dành nhiều ngày để thảo luận về cách phản ứng với phán quyết từ PCA về "đường lưỡi bò", trong đó khẳng định rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông.

Hầu hết thành viên ASEAN muốn hiệp hội duy trì sức ép đối với chiến dịch xây đảo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao ASEAN nói rằng Campuchia không muốn Trung Quốc bị chỉ trích và tìm cách ngăn chặn hiệp hội ra tuyên bố chung về Biển Đông.

Tuy nhiên, theo nguyên tắc của ASEAN, quyết định phải đạt được sự đồng thuận của cả 10 quốc gia, có nghĩa là bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền phủ quyết các đề xuất. Theo AP, lần này, Campuchia đã sử dụng quyền phủ quyết của mình.

Lê Huyền (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news