(Tinmoi.vn) Các nhà điều tra tại Malaysia bày tỏ vẫn chưa đủ chứng cứ để khẳng định máy bay mất tích MH370 là mục tiêu của một cuộc tấn công khủng bố.
Số phận của chiếc máy bay biến mất thuộc hãng Hàng không Malaysia đến thời điểm này vẫn còn là một bí ẩn. Các cuộc tìm kiếm trên không và trên biển đã bước sang ngày thứ 4 nhưng vẫn chưa phát hiện bất cứ dấu vết nào của chiếc Boeing 777.
Cơ quan hàng không đặc biệt của Malaysia, đơn vị dẫn đầu cuộc điều tra tại địa phương đã loại trừ khả năng máy bay bị các chiến binh bắn rơi.
Các nhà chức trách Malaysia đã chỉ ra rằng các bằng chứng hiện có không đủ để khẳng định cuộc tấn công là nguyên nhân cho sự biến mất của máy bay mà có thể do các vấn đề về thiết bị hoặc sơ suất của phi công.
Giám đốc điều hành Malaysia Airlines, Ahmad Jauhari Yahya và Tổng giám đốc Cục hàng không dân dụng (DCA) Datuk Abdul Rahman Azharuddin (bên phải) trả lời câu hỏi trong một cuộc họp báo tại Sepang ngày 10/3/2014
Một nguồn tin an ninh châu Âu cho biết: "Không có bằng chứng cho thấy đây là một hành động khủng bố. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thể giải thích điều gì đã xảy ra và chiếc máy bay đang ở đâu".
Trong khi đó, hàng chục tàu và máy bay từ 10 quốc gia vẫn đang nỗ lực tìm kiếm tại các vùng biển xung quanh Malaysia và phía Nam Việt Nam vì có nhiều câu hỏi đặt ra liệu có phải sai sót về an ninh có thể là nguyên nhân cho việc máy bay Boeing 777-200ER bị bắn rơi sau khi lên đến độ cao 35.000 feet (khoảng 10.670m).
Hôm 9/3, Interpol khẳng định có ít nhất 2 hành khách sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp và cho biết họ vẫn đang tiếp tục điều tra liệu còn bao nhiêu hành khách trên máy bay cũng sử dụng giấy tờ giả.
Mặc dù vậy, một nguồn tin từ Mỹ cho biết chính quyền Malaysia đang nghiêng sang giả thuyết máy bay đã bị tấn công. Quan điểm của họ được đưa ra dựa trên chứng cứ cho thấy có thể máy bay đã quay đầu về thủ đô Kuala Lumpur trước khi biến mất.
Một màn hình hiển thị thông báo "Hãy để chúng tôi cầu nguyện cho chuyến bay MH370" tại Sepang ngày 8/3/2014
Các thông tin vẫn chưa được khẳng định rõ ràng. Các nhà điều tra và tình báo cho biết số phận của MH370 vẫn còn là một điều bí ẩn.
Một lí do nữa là máy bay đã không liên lạc tự động với hệ thống dữ liệu giám sát chuyến bay sau khi biến mất khỏi màn hình radar. Nhẽ ra việc kết nối thông tin đã có thể giúp các nhà điều tra xác định những gì đã xảy ra.
Nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết, các nghi ngờ một cuộc tấn công đã tăng lên khi Mỹ xem xét hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có một vụ nổ giữa không trung, thế nhưng thực tế lại không phải.
Ông Datuk Abdul Rahman Azharuddin, người đứng đầu Cơ quan Hàng không dận dụng Malaysia cho biết bắt đầu từ hôm nay, ngày 11/3, chính quyền sẽ tăng cường mở rộng tìm kiếm.
"Thật không may, chúng tôi đã không tìm thấy bất cứ vật thể nào từ máy bay. Chúng ta sẽ tăng cường tìm kiếm bằng hết khả năng dù chỉ là một mảnh máy bay", ông cho biết.
Ông Azharuddin cũng chia sẻ thêm, các nhà điều tra không loại trừ khả năng chiếc máy bay bị cướp.
Một quan chức cảnh sát cấp cao cho biết, trước đây đã có nhừng người được trang bị thuốc nổ và mang giấy tờ tùy thân giả đã cố gắng bay khỏi Kuala Lumpur, do vây, hiện tại công tác điều tra đang hướng vào hai hành khách sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp trên chiếc máy bay mất tích.
Khoảng 2/3 trong số 227 hành khách và 12 phi hành đoàn trên chuyến bay MH370 là người Trung Quốc. Những hành khách còn lại bao gồm 38 người Malaysia, 7 người Indonesia, 6 người Australia, 5 người Ấn Độ, 4 người Pháp và 3 người Mỹ.
Người nhà hành khách chuyến bay MH370 lộ rõ sự đau đớn
Một nguồn tin cấp cao tham gia cuộc điều tra sơ bộ tại Malaysia cho biết việc không tìm thấy bất kỳ mảnh vỡ nào cho thấy có thể máy bay đã bị nổ tung trên không và phân tán đống đổ nát trên một diện tích rộng.
"Thực tế không tìm thấy mảnh vỡ nào cho thấy có thể máy bay đã nổ tung ở độ cao trên 10.000m".
Khi được hỏi về khả năng một vụ nổ, các nguồn tin cho biết không có bằng chứng để khẳng định một vụ khủng bố mà nguyên nhân có thể bắt nguồn từ các động cơ trên máy bay.
Sự tương đồng gần nhất với sự biến mất của MH370 là vụ nổ bom trên máy bay phản lực của Ấn Độ vào năm 1985 khi bay qua Đại Tây Dương và một máy bay Pan Am trên thị trấn okerbie của Scotland năm 1988. Cả 2 đều đạt độ cao khoảng 10.000m vào thời điểm phát nổ.
Việc không có tín hiệu báo nguy được gửi từ máy bay mất tích khiến các chuyên gia nghi ngờ về một thảm họa nổ tung bất ngờ. Tuy nhiên, lãnh đạo lực lượng Không quân Malaysia cho biết việc theo dõi qua radar cho thấy máy bay đã quay lại tuyến đường dự kiến trước khi biến mất.
Boeing 777 là một trong những máy bay thương mại an toàn nhất. Trước đó chỉ có duy nhất một vụ tai nạn liên quan đến loại máy bay này vào ngày 6/7/2013 khi chiếc Asiana Airlines Flight 214 đâm vào một bức tường trong khi hạ cánh tại San Francisco khiến 3 người chết.Hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ từ chối bình luận về vụ việc.
Hai hộ chiếu đáng nghi xuất hiện trên chuyến bay là của hai người châu Âu đã bị đánh cắp 2 năm trước.
Tổng thư kí Interpol, ông Ronald Noble cho biết: "Trong khi còn quá sớm để để suy đoán bất cứ mối liên hệ nào giữa hộ chiếu bị đánh cắp với máy bay mất tích, rõ ràng mối quan tâm lớn nhất lúc này là bất cứ hành khách nào cũng có thể có mặt trên chuyến bay quốc tế bằng cách sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp đã được liệt kê trong cơ sở dữ liệu của Interpol".
L.H (Nguồn: Themalaymailonline)
Xem thêm Video Hành trình tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích: