(Tinmoi.vn) 3 tàu hải quân của Trung Quốc và 1 tàu của Mỹ đã được cấp phép vào vùng biển Việt Nam cùng tham gia tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay MH370 mất tích của Malaysia.
Vào khoảng 15h25 chiều nay, máy bay C130 của Singapore đã phát hiện một vật thể màu vàng trôi dạt trên vùng biển Malaysia, cách vùng biển Nam Thổ Chu 50 hải lý. Một máy bay của lực lượng không quân Việt Nam nhanh chóng lên đường để tiếp cận vật thể khả nghi.
Tuy nhiên, sau đó, ông Jaky Ly Thang, trưởng phòng hợp tác Quốc phòng, Đại sứ quán Mỹ đã thông báo tới UB Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam: lực lượng tìm kiếm Mỹ đã xác minh vật thể lạ không liên quan đến máy bay mất tích.
Trước đó, vào khoảng 10h3p sáng nay, tổ bay VN261 – Vietnam Airlines đang thực hiện chuyến bay qua địa phận xã Lộc Thắng, huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng đã bắt được tín hiệu SOS trên khu vực vườn quốc gia Cát Tiên. Tuy nhiên, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không thuộc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết đây không phải là tín hiệu chiếc máy bay mất tích.
Lực lượng cứu hộ Việt Nam tìm kiếm 24/24 (ảnh: Một thế giới)
Vào 17h chiều nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp sơ kết 2 ngày cứu hộ máy bay Malaysia bị mất tích. Phó thủ tướng yêu cầu các lực lượng cứu hộ liên tục hoạt động 24/24, tập trung vào những vị trí khả nghi và mở rộng vùng tìm kiếm.
Cho đến 19h tối nay, tin tức trên báo GTVT cho biết vào khoảng 18h30p, máy bay DSC6 báo về phát hiện miếng composite nghi là ốp phía trong cửa máy bay, cộng thêm một vật nghi là thanh bằng ngang ở đuôi máy bay. Vị trí các vật thể trên nằm ở 8 độ 47 phút 32 Bắc – 103 độ 22 phút 26 giây Đông, cách Thỏ Chu 80 km Nam-Tây Nam. Tuy nhiên do trời đã tối nên chưa thể trục vớt. Đến sáng mai, máy bay DSC6 sẽ xác định tiếp.
Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng cấp phép để 3 tàu cứu hộ của Trung Quốc và 1 tàu của Mỹ được phép vào tìm kiếm chiếc máy bay bị nạn trong vùng biển Việt Nam.
Bí ẩn những tấm vé
Hai người sử dụng hộ chiếu của công dân Ý và công dân Áo có mặt trên chuyến bay mất tích của hãng Malaysia Airlines có vẻ đã mua vé cùng nhau.
Theo hệ thống bán vé điện tử Travelsky của Trung Quốc, hai người này đã mua vé của hãng China Southern Airlines bằng baht Thái với mệnh giá giống nhau, 2 tấm vé cũng có số tiếp giáp nhau.
Những thông tin mới biết thêm càng làm tăng thêm bí ẩn cho số phận của chuyến bay MH370 khi chở khách tới Bắc Kinh và biến mất trên biển Đông. Cả Italia và Áo đều khẳng định không có công dân của họ trên máy bay mất tích. Hộ chiếu của công dân 2 nước đãbị đánh cắp tại Đông Nam Á trong thời gian gần đây.
Cả 2 tấm vé đặt tại China Southern Airlines đều bắt đầu đi từ Kuala Lumpur, đến Bắc Kinh sau đó đến Amsterdam. Vé của người mang hộ chiếu Italia tiếp tục đến Copenhagen, vé của người Áo đến Frankfurt. Các nhà chức trách vẫn đang ráo riết điều tra danh tính của một số người có vấn đề về hộ chiếu trên chiếc máy bay mất tích.
Máy bay lạc đường tự quay đầu?
Tổng chỉ huy không quân Hoàng gia Malaysia, ông Tan Sri Rodzali Đau cho biết radar quân sự đã quan sát thấy chiếc máy bay có những cử động phân kỳ. Radar dân sự cũng ghi nhận điều tương tự. “Có thể chiếc máy bay đã chệch khỏi đường bay ban đầu và tự quay lại”, ông nói.
Ông cho biết lực lượng không quân đã làm việc với một số cơ quan quốc tế có chuyên môn về vấn đề này, bao gồm nhà sản xuất Boeing. Tuy nhiên, ông Radzali cho biết không hề có cuộc gọi cứu nạn trước khi chiếc máy bay biến mất khỏi tầm nhìn.
“Chúng tôi đang rất bối rối vì không nhận được đèn tín hiệu khẩn cấp từ máy bay”. Tổng giám đốc Cục hàng không dân dụng (DCA) Datuk Abdul Rahman Azharuddin cho biết họ đã có được clip ghi lại 2 người đàn ông bước lên chuyến bay bằng hộ chiếu đánh cắp.
Tham mưu trưởng quân đội Malaysia Zulkifeli cho biết hiện có 40 tàu thuyền và 22 máy bay đang sục sạo để tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích. Một cuộc tìm kiếm cũng được tăng cường dọc eo biển Malacca. Các lực lượng hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn từ các nước láng giềng, Mỹ và Trung Quốc cũng tham gia tích cực.
Số lượng tàu thuyền và máy bay tham gia nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn:
Máy bay: Hải quân Hoàng gia Malaysia- 1 trực thăng, không quân Hoàng gia Malaysia-11, cơ quan thực thi Hàng hải Malaysia- 5, lực lượng cảnh sát Hoàng gia Malaysia- 1, các nước láng giềng- 4, không quân Thái Lan- 1, Mỹ- 1
Tàu thuyền: Hải quân Hoàng gia Malaysia- 14, Cơ quan thực thi Hàng hải Malaysia- 13, Mỹ- 1, Trung Quốc- 3, Singapore- 5, Indonesia- 5, Hải quân Hoàng gia Thái Lan- 1
Máy bay bị nổ do thời tiết xấu?
Sự biến mất đột ngột của chiếc may bay Boeing chở 239 người của hãng hàng không Malaysia Airlines là một trong những trường hợp hiếm nhất của thảm họa hàng không và sự biến mất đầy bí ẩn này ngày càng phức tạp trước những suy đoán của các nước tham gia tìm kiếm cứu hộ.
Giai đoạn cất cánh và đặc biệt, lúc hạ cánh là thời điểm nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn nhất của một chiếc máy bay. Chuyến bay MH370 thì ngược lại, cất cánh an toàn và đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Trong quá trình bay, không có tín hiệu báo nguy được gửi đi, không có đống đổ nát nào được tìm thấy và không hề xác định được sự cố máy bay nào. Nhưng chiếc máy bay đã mất tích hơn 24 tiếng và Malaysia Airlines đang “lo sợ điều tồi tệ nhất”.
Dựa trên tín hiệu từ lần liên lạc cuối cùng với phi công, rất có thể, máy bay Boeing 777-200ER đã rơi ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Hai hành khách có mặt trên đó đã sử dụng hộ chiếu đánh cắp đưa ra nghi ngờ về trường hợp máy bay đã bị khủng bố, nhưng hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm.
“Máy bay không bị rơi trong lúc bay. Đây là một sự kiện vô cùng khác thường”, Paul Hayes, Giám đốc An toàn bay tại hãng tư vấn hàng không Ascend Flightglobal, Anh quốc cho biết.
Hiện chiếc máy bay MH370 đã mất tích hơn 24h đồng hồ
Malaysia Airlines cho biết chuyến bay mang số hiệu MH370 biến mất khoảng 1h sau khi cất cánh. Lần cuối cùng, máy bay liên lạc với trạm kiểm soát không lưu là khi ở ngoài khơi cách thị trấn Kota Bharu của Malaysia 120 hải lý (hơn 200km).
Theo tin tức trên trang web theo dõi chuyến bay flightaware.com, máy bay đã bay về phía đông bắc qua Malaysia và đang ở độ cao 35.000ft (10.668 mét). Một cuộc tìm kiếm lớn đang được tiến hành tại vùng biển giữa Malaysia và miền nam Việt Nam, tập trung vào khu vực chiếc máy bay liên lạc với đất liền lần cuối cùng.
Các phi công và chuyên gia dự đoán rất có thể thời tiết xấu đã gây ra một vụ nổ trên máy bay. Chiếc máy bay đang ở trên không, giai đoạn an toàn nhất của chuyến bay và có khả năng đã được chuyển sang lái tự động. “Rất có thể một vụ nổ xảy ra do sét đánh hoặc do giảm áp nghiêm trọng”, một cựu phi công Malaysia Airlines nói.
Việc giảm áp suất đột ngột trong cabin có thể gây giải nén dẫn đến cháy nổ, ông John Goglia, một cựu thành viên hội đồng quản trị UB An toàn Giao thông Quốc gia Malaysia cho biết. Nguyên nhân giải nén có thể do sự ăn mòn kim loại cũ trong khung máy bay.
Gần đây, một thảm họa hàng không tương tự đã xảy ra. Chiếc máy bay Airbus A330 mang số hiệu 447 của hãng Air France bị rơi tại Đại Tây Dương năm 2009 khi đang trên đường từ Rio de Janeiro đến Paris. 228 người có mặt lúc đó đã thiệt mạng. Các cuộc điều tra đã không đưa ra được nguyên nhân máy bay bị rơi chỉ đến khi người ta tìm được hộp đen của nó dưới đáy đại dương vào 2 năm sau đó. Ban đầu, người ta nghi ngờ máy bay rơi do gặp bão. Nhưng sau đó, các nhà điều tra xác định nguyên nhân chính là do băng đá khiến bộ đọc cảm biến tốc độ trên máy bay bị lỗi. Các dữ liệu từ hộp đen cho thấy phi công cũng có lỗi một phần khi cài đặt chế độ lái tự động trong thời gian khiến nó không thể phục hồi – Theo Reuters.
Hiện, ngoài nỗ lực tìm kiếm tung tích chiếc máy bay bị mất tích, Malaysia đang tiến hành điều tra 4 hành khách trên chuyến bay này. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Malaysia, ông Datuk Seri Hishammuddin Hussein xác nhận có ít nhất 4 hành khách trên chuyến bay MH370 đang bị điều tra.
Cơ quan tình báo Malaysia đã làm việc với các đối tác ở nước ngoài bao gồm cả Văn phòng Cục điều tra Liên Bang Mỹ (FBI) và các đơn vị chống khủng bố từ các nước láng giềng sau khi phát hiện 2 hộ chiếu bị lấy cắp từ Áo và Ý.
Xem clip Người nhà nạn nhân trên chiếc máy bay mất tích của Malaysia ăn trực nằm chờ tại sân bay
Bảo Linh (Theo nst)