Trung Quốc đã đổ lỗi cho Mỹ làm trầm trọng thêm "vòng luẩn quẩn" của căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau khi Washington bị gắn trách nhiệm với vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng hồi tuần trước. Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ thiếu nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Triều Tiên.
|
Một vụ bắn thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: KCNA/Reuters |
Ngày 9/9, Triều Tiên đã trở thành tâm điểm sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5. Vụ nổ 10 kiloton đã gây ra một trận động đất nhân tạo và gây chỉ trích mạnh mẽ từ quốc tế.
Trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi phản ứng "sáng tạo" hơn cho tình hình này, thay vì đưa ra những vòng trừng phạt bất tận, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đổ lỗi cho Trung Quốc khi không kiềm chế được mối đe dọa Triều Tiên.
Cuối tuần vừa rồi, ông Carter nói: "Tôi muốn chọn lựa vai trò của Trung Quốc. Đó là trách nhiệm của Trung Quốc. Trung Quốc có trách nhiệm quan trọng cho sự triển này và có trách nhiệm lớn để đảo ngược nó".
Đánh giá trên của ông Carter đã nhận sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía truyền thông Trung Quốc.
"Mỹ không bao giờ nghĩ đến việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên khi mà họ cũng làm phức tạp nó", một bài xã luận trên Hoàn cầu Thời báo viết.
"Trung Quốc không có khả năng thuyết phục Triều Tiên từ bỏ việc phát triển hạt nhân bởi những nỗ lực của Trung Quốc không được các bên khác hỗ trợ. Washington đã từ chối ký một hiệp ước hòa bình với Bình Nhưỡng".
Ngày 12/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một phản ứng đáp trả tuyên bố "khiêm tốn không cần thiết" của ông Carter, đổ lỗi cho Mỹ trong sự gia tăng căng thẳng tại khu vực.
Khi Triều Tiên tăng cường các nỗ lực để làm chủ công nghệ hạt nhân và những phương pháp phóng đầu đạn thì Mỹ và đồng minh của mình - Hàn Quốc - đã đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và Nga, Washington vẫn tiếp tục phô trương lực lượng tại khu vực này.
Vào tháng 8, Mỹ đã nâng cấp phi đội máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tại Guam và tiếp tục tiến hành những cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc.
Triều Tiên đã lên án cuộc tập trận Ulchi Freedom Guardian (Người bảo vệ Tự do Ulchi) và việc triển khai THAAD, đe dọa sẽ tấn công nước láng giềng và căn cứ của Mỹ tại Guam bằng vũ khí hạt nhân.
Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5, ngày 11/9, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng "Mỹ chính là nước ép CHDCND Triều Tiên phải phát triển các đầu đạn hạt nhân". Ngày 12/9, Trung Quốc dường như đã đồng ý với tuyên bố này.
"Nguyên nhân và mấu chốt vấn đề hạt nhân của Triều Tiên nằm ở Mỹ hơn là Trung Quốc. Cốt lõi của vấn đề này là xung đột giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Bà này hối thúc Washington "tìm kiếm một giải pháp hiệu quả" cho vấn đề này.
"Tốt hơn là người buộc chuông thì tháo chuông. Mỹ cần gánh vách trách nhiệm của mình", người phát ngôn nói thêm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói rằng nước này đã có những "nỗ lực không ngừng" hướng tới giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên nhưng "những hành động và phản ứng luẩn quẩn" đã khiến Triều Tiên rút khỏi đàm phán 6 bên vào năm 2009. Họ nhắm đến việc giải quyết các vấn đề an ninh một cách hòa bình. Trung Quốc đã kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán và hứa sẽ đưa các vấn đề có liên quan trở lại đàm phán và tham vấn.
Ngày 12/9, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã thảo luận về vấn đề Triều Tiên với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Tại cuộc họp, 2 bộ trưởng đã lên án những hành động của Bình Nhưỡng.
Theo ông Lavrov, cả 2 bộ trưởng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các bên trong việc kiềm chế "những bước đi tiếp theo có thể làm gia tăng căng thẳng" khi Nga và Trung Quốc khẳng định "cam kết đạt được giải phát chính trị và ngoại giao cho vấn đề hạt nhân khu vực".
Nhưng khi Trung Quốc và Nga thúc giục tiến trình ngoại giao nhiều hơn thì Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 12/9 cho rằng Triều Tiên đã sẵn sàng tiến hành một vụ thử hạt nhân tiếp theo bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục phô trương lực lượng tại khu vực. Lầu Năm Góc đã triển khai 2 máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1 Lancer, có khả năng mang kho vũ khí hạt nhân tới Hàn Quốc.
Chuyến bay chậm, tầm thấp qua căn cứ Osan tại Hàn Quốc cách biên giới khu vực Phi quân sự với Triều tiên chỉ 77 km diễn ra trong ngày 13/9. Ngoài các máy bay ném bom này còn có sự góp mặt của các chiến đấu cơ F-16 và F-15 của 2 nước Mỹ - Hàn.
Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, tướng Vincent K.Brooks nói: "Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là sự leo thang nguy hiểm và đặt ra mối đe dọa không thể chấp nhận. Sự biểu dương lực lượng ngày hôm nay chỉ là một ví dụ cho thấy khả năng quân sự của liên minh trong việc cung cấp và tăng cường răn đe mở rộng".
Bảo Linh (RT)