Sau khi bị dư luận thế giới chỉ trích là phản ứng "chậm chạp" trong cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu, chính quyền Obama đã quyết định sẽ tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria trong năm tới.
Hàng nghìn người Syria đã rời bỏ quê hương để tới các nước châu Âu. Ảnh: Reuters |
Truyền thông phương Tây dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest hôm 10/9 cho biết Mỹ sẽ “tiếp nhận ít nhất 10.000 người tị nạn trong năm tài chính tới đây, bắt đầu từ 1/10”.
Đây là động thái cụ thể nhất của Mỹ trong việc góp sức giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu.
Trước đó, Mỹ đã bị chỉ trích là vô cảm, chậm chạp trong việc xử lý khủng hoảng tị nạn bắt nguồn từ cuộc chiến Syria, Iraq, châu Phi và các quốc gia loạn lạc khác.
Trong nội bộ nước Mỹ cũng có sự bất đồng về vấn đề này.
“Mỹ có thể và cần phải làm nhiều hơn nữa. Sự im lặng của Nhà Trắng về điều này là không thể chấp nhận”, bà Michelle Brane, thành viên Ủy ban Phụ nữ tị nạn Mỹ chỉ trích. Hay như hồi tháng 5/2015, 14 nghị sĩ đảng Dân chủ đã viết thư đề nghị Tổng thống Obama tiếp nhận ít nhất 65.000 người tị nạn Syria. Các nhóm tôn giáo thì đề nghị tăng con số này lên 100.000 người.
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa, chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện, Michael McCaul lại cho rằng Mỹ còn có trách nhiệm với người dân trong nước, việc tiếp nhận người nhập cư sẽ khiến khủng bố dễ dàng len lỏi vào nước này.
Ông Earnest cho biết Mỹ rất quan tâm đến vấn đề an ninh quốc gia nên không thể nới lỏng các quy định rà soát người tị nạn. Quá trình này sẽ kéo dài từ 18-24 tháng nên gây trì trệ cho quá trình tiếp nhận người tị nạn.
Kể từ khi cuộc nội chiến Syria bùng phát năm 2011 tới nay, Mỹ mới chỉ tiếp nhận 1.500 nạn dân - một con số vô cùng khiêm tốn so với nhiều quốc gia khác. Riêng trong năm 2014, chỉ có 105 người Syria được tới Mỹ.
[mecloud] s1dhi5DZ4S[/mecloud]
Bảo Linh (tổng hợp)