Tin mới

Khủng hoảng nhập cư châu Âu: Đức đang nhìn thấy cơ hội vàng

Thứ năm, 10/09/2015, 14:56 (GMT+7)

Tình trạng khủng hoảng nhập cư ở Châu Âu đang diễn ra thì Đức - cường quốc kinh tế của khu vực - lại cảm thấy đây là cơ hội vàng.

Trong khi đa phần các nước châu Âu đang nhìn thấy một cuộc khủng hoảng nhập cư thì Đức - cường quốc kinh tế của khu vực - lại cảm thấy đây là cơ hội vàng.

Người dân Đức ủng hộ tiếp nhận dân nhập cư. Ảnh: AP

Quốc gia có dân số già, 81 triệu người đang phải đối mặt với quả bom hẹn giờ nhân khẩu học. Với tỷ lệ sinh thấp, dân số đang giảm dần, hàng trăm trường học đã đóng cửa. Một số khu vực lân cận, đặc biệt là ở phía đông, số lượng những thị trấn ma (bị bỏ hoang) ngày càng tăng lên. Với người Đức, một câu hỏi nghiêm túc được đặt ra ở đây là: Ai sẽ tiếp tục sản xuất ra Mercedes và Volkswagen mai kia?

Đưa ra sự hỗ trợ hào phóng nhất cho người nhập cư, Đức đã trở thành quốc gia lớn nhất châu Âu tiếp nhận người tị nạn đang trong tình trạng nguy hiểm và tồi tệ hơn. Hơn 800.000 người nhập cư hy vọng sẽ tới Đức trong năm nay.

Không có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng này hạ nhiệt khi mà cuộc chiến tại Syria và Iraq không có lối thoát. Các nhà lãnh đạo Đức cho biết họ có thể đối phó với 500.000 người mới mỗi năm trong "một vài năm".

Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel đã lên dây cót tinh thần cho người dân Đức, chuẩn bị đối mặt với một thời kỳ biến động.

Một số lãnh đạo tại khu vực đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa đối với đặc tính của quốc gia khi mà hầu hết người nhập cư đều là người Hồi giáo.

Nhưng bà Merkel đang mở ra viễn cảnh cho người Đức về tầm nhìn mới của đất nước. Đó là, trong tương lai, Đức có lẽ không chỉ có người da trắng hay người Kito giáo như ngày nay.

Trong một đoạn video mới lan truyền, bà Merkel đã thuyết phục một người phụ nữ đang lo sợ dân tị nạn sẽ mang khủng bố Hồi giáo tới cho nước Đức. Thủ tướng Đức hít sâu trước khi đáp lại: "Nỗi sợ hãi là một vị cố vấn tồi".

Phát biểu trước quốc hội ngày 9/9, bà Merkel nói về những người nhập cư như sau: "Họ cần được giúp đỡ để học tiếng Đức, họ cần nhanh chóng tìm được việc. Nhiều người trong số họ sẽ trở thành công dân của nước ta. Nếu họ làm tốt, điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro".

Bà Merkel không phải người duy nhất có những suy nghĩ thực dụng này. Các nhà lãnh đạo công nghiệp Đức cũng đang loan tin về làn sóng người nhập cư ở độ tuổi lao động. Một số trường đại học Đức đang mở cửa cho phép dân tị nạn tham gia học miễn phí. Chính phủ cũng đang mở các "lớp vỡ lòng" để dạy tiếng Đức cho trẻ em và người trưởng thành di cư.

[mecloud]JHQ8TitgQ9[/mecloud]

Đức đang mở rộng cửa chào đón người nhập cư khi mà tỷ lệ thất nghiệp của họ đã xuống 6,2% - một trong những nước có tỷ lệ thấp nhất châu Âu. Các công ty thương mại và dịch vụ - từ cung cấp thực phẩm đến lắp đặt ống nước - đều đang tranh nhau tìm nhân công. Theo Cơ quan Lao động Liên bang, hiện có hơn 37.000 suất việc làm tại các công ty này vẫn đang trống.

Có một thực tế là nhiều người tị nạn - đặc biệt là người Syria - có trình độ học vấn cao hoặc có tay nghề. Họ là những bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư. Một số người nói rằng với Đức, những gì tưởng chừng là cuộc khủng hoảng giờ lại trở thành điều gì khác.

"Khi những người xin tị nạn có tình độ, đây sẽ là cơ hội tốt. Họ sẽ trở thành bộ phận có giá trị cho lực lượng lao động của chúng ta trong những năm tới", ông Reiner Klingholz, giám đốc Viện Dân số và Phát triển Berlin nói.

"Đây là cơ hội của chúng ta"

Không nghi ngờ gì khi nói người tị nạn hiện nay là gánh nặng tài chính. Các nước sẽ phải bỏ ra tiền tỷ để lo nhà ở và hỗ trợ họ. Nhưng các chuyên gia dự đoán về lâu dài, nhiều người trong số họ sẽ ở lại và xây dựng cuộc sống mới tại Đức. Theo dự báo, Đức sẽ chỉ còn 13,2 triệu dân vào năm 2060. Như vậy, những người mới tới sẽ giúp Đức trong cuộc chiến lâu dài chống lại suy giảm dân số.

Ít nhất, đây là quan điểm của Oliver Junk, thị trưởng Goslar - một thị trấn với 50.000 dân nằm ở khu vực trung tâm phía bắc nước Đức. Nơi này nổi tiếng với những ngôi nhà gỗ đáng yêu nhưng dân số đã giảm 4.000 người kể từ năm 2002. Trong những năm gần đây, Goslar đã đóng cửa 3 trường học và hiện đang xuất hiện rải rác những "ngôi nhà để trống thường xuyên".

Trong 2 năm qua, Goslar đã tiếp nhận gần 300 người tị nạn. Tới đây, họ đã được trao cho cơ hội có việc làm, nhà ở và không còn ý định chuyển tới các thành phố lớn nữa.

[mecloud]s1dhi5DZ4S[/mecloud]

Một miền đất hứa mới

Sự gia tăng số lượng người tị nạn đến vào thời điểm Đức nổi lên như một miền đất hứa mới với người nhập cư, đặc biệt là từ các nước đang gặp khó khăn về kinh tế ở phía nam châu Âu gồm Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha và ở các nước xa xôi như Israel, Ấn Độ.

Trong bảng xếp hạng các quốc gia thịnh vượng nhất toàn cầu trong năm 2012 mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đưa ra, Đức đã vượt mặt Canada và Anh để trở thành điểm đến hấp dẫn nhất đối với người nhập cư, chỉ sau Mỹ.

Bảo Linh (theo Washingtonpost)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news