Mới đây, Lệ Quyên lại tiếp tục trở thành nạn nhân của những bình luận vô duyên từ một số cư dân mạng thiếu suy nghĩ. Theo đó khi nữ ca sĩ tự tin khoe dáng với đồ bơi ở tuổi ngoài 40 thì lập tức bên dưới một số cư dân mạng để lại những bình luận khiếm nhã thậm chí là sử dụng những ngôn từ thiếu suy nghĩ nói về Lệ Quyên.
Đây không phải lần đầu Lệ Quyên đối mặt với những bình luận khiếm nhã từ phía cư dân mạng. Trước đây, bạn gái Lâm Bảo Châu thường xù lông đáp trả cực gắt thậm chí là gọi cư dân mạng là những người "không có não". Thế nhưng sau thời gian nhận góp ý từ khán giả, nay Lệ Quyên đã hiền hơn, và chỉ đáp lại bằng những ngôn từ rất nhẹ nhàng nhưng không kém phần mỉa mai.
Trên thực tế, Lệ Quyên chỉ là một trong số ít sao Việt phải đối mặt với những bình luận khiếm nhã trên mạng xã hội. Một vấn đề gây nhức nhối nhất hiện nay khi mà mạng xã hội đang dần thống lĩnh các mối quan hệ chính là những hành vi lệch chuẩn, ứng xử xấu xí trên không gian mạng.
Chỉ cần dành vài phút lướt các bình luận trên các hội nhóm về một vấn đề nào đó sẽ không khó để bắt gặp nhan nhản những câu nói khiếm nhã, những từ ngữ dễ làm tổn thương người khác hay còn gọi đây là tình trạng "rác ngôn từ".
Một hiện thực đáng buồn là theo ghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI) cung cấp thông tin trên vào ngày 11-2, Ngày quốc tế an toàn Internet. Theo Microsoft, năm nay chỉ số văn minh trực tuyến toàn cầu xuống thấp đến mức chạm đáy trong vòng 4 năm qua. Và 5 quốc gia kém văn minh nhất, theo thứ tự, là Nam Phi, Peru, Columbia, Nga và Việt Nam. Trong khi đó, các quốc gia văn minh hàng đầu trên Internet là Vương quốc Anh, Hà Lan, Đức, Malaysia và Mỹ.
Những thứ tưởng như vô tri như những lời bình luận thiếu suy nghĩ, những ngôn từ tưởng chừng như vô hại nhưng lại khiến nhiều người bị tổn thương sâu sắc. Thậm chí, trên thực tế, đã có không ít sự việc đau lòng xảy ra vì những bình luận tiêu cực. Đã có trường hợp quyên sinh trước sức ép của dư luận, trước những bình luận đả kích.
Trước đây, Thạc sỹ tâm lý Tô Nhi A bày tỏ: “Người Việt không phải là nhóm người lúng túng với mạng xã hội nhưng người Việt đã để cho mạng xã hội thao túng bản thân mình. Cái việc mà người ta cảm thấy người ta được ẩn thân, không phải là nguyên nhân cốt yếu nhưng nó phản ánh một nguyên nhân cốt yếu khác. Đó là bản thân họ chưa có được những giá trị mạnh mẽ từ bên trong.
Nếu như không phải là không gian mạng mà là một nơi nào đó lớn tiếng mạt sát người khác miễn sao người khác không nhìn thấy mặt thì họ cũng vẫn làm vậy. Có vẻ như sự bình an bên trong của đa phần cư dân mạng người Việt cũng là một vấn đề cần phải được quan tâm. Bởi vì khi họ cảm thấy thiếu tự tin và Bình An thì họ rất dễ nổi giận, với cả những chuyện không hề liên quan tới bản thân mình”.
Hãy trở thành những người ứng xử văn minh trên mạng xã hội dù là mạng ảo hay thật. Những bình luận hay, những ngôn từ đẹp cũng góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến những người xung quanh, giúp cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn, đáng yêu hơn. Hãy biến không gian mạng thành nơi giao lưu học hỏi đầy tình yêu thương dành cho nhau thay vì tạo nên những ngôn từ làm tổn thương nhau. Hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu trước khi trở thành các "anh hùng bàn phím".