Có rất nhiều bằng chứng gần đây cho thấy việc sử dụng bộ binh với số lượng lớn để tiêu diệt quân nổi dậy IS sẽ không có kết quả.
Sau cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào Paris, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Mỹ triển khai bộ binh tới Iraq và Syria để đánh bại Nhà nước Hồi giáo IS. Những lời kêu gọi này đại diện cho phần lớn những người có quan điểm đối ngoại dùng quân đội để giải quyết các vấn đề quốc tế phức tạp. Nhưng trong bối cảnh các mối đe dọa từ IS gia tăng thì việc gửi bộ binh tới để đánh bại chúng liệu có khả năng? Điều này phụ thuộc vào kết quả mong muốn.
Nếu mục tiêu là để giảm bớt mối đe dọa mà IS đặt ra đối với Mỹ thì câu trả lời là "không".
Một binh sĩ Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. Ảnh: Flickr/National Interest |
Những sự việc xảy ra gần đây chứng minh tại sao việc cố gắng sử dụng quân đội nước ngoài để tiêu diệt lực lượng nổi dậy sẽ không hiệu quả. Vào năm 2001, Mỹ đã gửi lực lượng đặc biệt và hỗ trợ không kích cho các chiến binh địa phương đánh lại Taliban. Vào năm 2003, Mỹ đã xâm chiếm và tiêu diệt quân đội của Saddam Hussein. Năm 2006, Israel đã phát động một cuộc tấn công từ trên không và trên mặt đất vào Lebanon để tiêu diệt cánh quân của Hezbollah. Trong mọi trường hợp, các bên đều dùng sức mạnh quân sự áp đảo để chống lại những kẻ thù yếu thế hơn.
Tuy nhiên, sau khi hàng trăm binh sĩ Mỹ chiến đấu trên mặt đất ở Afghanistan, Taliban ngày nay đã mạnh hơn bất cứ khi nào, kể từ năm 2001. Hezbollah vẫn tồn tại sau cuộc tấn công 2006, cuối cùng buộc quân đội Israel phải rút lui. Mỹ đã triển khai 187.900 quân vào lúc cao điểm trong Chiến dịch Operation Iraqi Freedom (OIF) nhưng đội quân hùng mạnh này chỉ chiếm thắng tạm thời, làm suy yếu tình trạng nổi dậy. Những kẻ khủng bố còn sống sót vẫn lê lết tới địa điểm an toàn, ẩn mình trong cộng đồng dân cư bản địa, theo thời gian lặng lẽ gây dựng lại lực lượng. Dường như, rất nhiều binh sĩ được đưa tới Iraq để tiêu diệt al-Qaeda đã bị thiệt mạng sau khi Mỹ dành 8 năm để chiến đấu ở đó.
Vào tháng 7 năm nay, ứng viên tổng thống Mỹ Lindsey Graham đã mạnh dạn tuyên bố rằng ông sẽ gửi 20.000 binh sĩ Mỹ tới Iraq và Syria để đánh bại IS. Ông lập luận rằng các binh sĩ là cần thiết bởi "không có con đường nào khác là đưa bộ binh tới và nhổ tận gốc đế chế caliphate (đế chế nhà nước của IS). Giải thích làm thế nào để đưa 20.000 binh sĩ tới, ông nói rằng mình đã nhận được lời khuyên từ các chuyên gia quân sự.
Dường như ngay cả các chuyên gia quân sự của ngài nghị sĩ cũng thiếu hiểu biết về việc cần làm gì để giành được chiến thắng quân sự trong một môi trường chống lại kẻ thù cụ thể. Không cần xem xét nhiều cũng nhận ra được số lượng quân đội không hoàn thành mục tiêu đánh bại IS.
Nhiều lãnh đạo chủ chốt của IS có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chiến đấu chống lại bộ binh thông thường. Họ biết mình không thể dùng một chiến thuật duy nhất để giành được chiến thắng chiến lược. Đại đa số các chiến binh đều nhanh chóng tin vào mục tiêu của mình và sẵn sàng (đôi khi rất hăm hở) chết vì mục tiêu đó. Họ sẽ chịu đựng khó khăn và thiếu thốn và tiếp tục chiến đấu.
Thường thì không thể phân biệt nổi quân nổi dậy với người dân. Tại hầu hết các địa điểm mà chúng nắm giữ, IS trà trộn trong những khu vực có nhiều thường dân. Bất cứ nỗ lực thông thường nào nhằm loại trừ IS đều sẽ phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng của thành phố, giết chết vô số người vô tội và đặt những binh sĩ phương Tây vào tội danh giết người bừa bãi.
Rõ ràng và cũng rất dễ hiểu, các nhà lãnh đạo phương Tây nhận ra IS đại diện cho một mối đe dọa chính đáng và phải tìm cách để loại bỏ hoặc giảm bớt nó. Công cụ quân đội trở nên quyến rũ đối với thế hệ lãnh đạo cấp cao hiện nay. Họ nhìn thấy quân đội Mỹ dường như không thể đánh bại và mạnh mẽ như thế nào. Đội quân này dường như cũng là phương tiện hiệu quả để tiêu diệu một kẻ thù hung bạo. Nhưng các nhà lãnh đạo Mỹ phải ngưng các Chính sách dựa trên cảm xúc và sở thích. Dù cho họ có muốn triển khai quân đội để đè bẹp IS thì việc đánh giá nguyên tắc chiến đấu cơ bản cho thấy hầu như không có cơ hội để thực hiện mục tiêu với cái giá chấp nhận được. Cho nên bộ binh không được sử dụng.
Vấn đề IS là sâu xa hơn rất nhiều so với việc loại bỏ một vài chiến binh. Vấn đề đã được hình thành từ hơn 1 thập kỷ trước, bao gồm các điều kiện chính trị tại Syria và Iraq và những niềm tin tôn giáo mạnh mẽ biến đổi cùng với hệ tư tưởng lệch lạc, một cuộc chiến dân sự nhiều phe phái và các yếu tố văn hóa, kinh tế phức tạp. Sự pha trộn độc hại ấy không thể được giải quyết thông qua việc triển khai bộ binh Mỹ.
Cho đến khi các nguyên nhân cơ bản được giải quyết, bất cứ nỗ lực nào nhằm xử lý vấn đề IS bằng cách diệt trừ các chiến binh gần như sẽ gây phản tác dụng. Lợi ích của việc hi sinh hàng ngàn người Mỹ để làm suy yếu khả năng của IS là gì? Chỉ là nhìn chúng bước đi khập khiễng rồi gây dựng lại lực ượng dưới một hình thức mới?
Bảo Linh (theo National Interest)