Khi xem những bộ phim dã sử về triều đại nhà Thanh, không ít khán giả phải trầm trồ trước sắc đẹp của dàn cung tần mỹ nữ và các cách cách của những vị Hoàng đế Mãn Thanh. Tuy nhiên, nhan sắc thực sự của những nữ nhân hậu cung trong lịch sử lại có thể khiến công chúng khó chấp nhận được.
Vậy vì sao lại có sự đối lập này, có phải do quan niệm về cái đẹp thời xưa khác thời nay, hay vì nguyên nhân gì?
Theo nhiều tài liệu lịch sử, từ thời Ung Chính, hoàng hậu sẽ được thái hậu chỉ định, hoàng đế không được tự làm chủ trong vấn đề này. Theo tiêu chuẩn tuyển chọn của những người đứng đầu triều Thanh, phẩm hạnh và địa vị gia tộc luôn được ưu tiên hàng đầu.
Ngược lại, vẻ ngoài không phải là tiêu chí quan trọng nhất, như Diệp Hách Na Lạp thị có dung mạo vô cùng bình thường nhưng vì là cháu gái của Thái hậu Từ Hi nên cuối cùng đã trở thành Hoàng hậu Hiếu Định Cảnh của Hoàng đế Quang Tự.
Ngoài ra, có sự khác biệt giữa quan điểm thẩm mỹ của triều đình và dân gian. Tướng mạo của phi tử không nhất định phải đẹp lộng lẫy nhưng cần phải nghiêm trang, sang trọng và quý phái.
Đặc biệt, Thanh triều xem trọng phẩm giá và gia thế nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua diện mạo, nữ nhân có gương mặt nhỏ hay cằm nhọn đều không được chấp nhận.
Một lý do nữa được đưa ra là do chính là lòng đố kỵ của người nắm quyền chốn hậu cung. Là một nữ nhân, lại là một nữ nhân có quyền lực tối cao, chắc chắn Từ Hi Thái hậu sẽ không muốn để người khác ấn tượng về vẻ đẹp của một nữ nhân nào khác.
Vì thế, việc hủy hoại bức ảnh đẹp, chỉ giữ lại những bức ảnh xấu xí của các phi tần được cho là một lý giải rõ ràng và hợp lý.