Các nhà hoạch định Chính sách cấp cao của Lầu Năm Góc đang xem xét khả năng hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm triển khai đơn vị pháo binh di động ở Biển Đông, sẵn sàng bắn hạ bất cứ tên lửa nào đe dọa.
Chanel News Asia đưa tin, quân đội Mỹ dự định bố trí các đơn vị pháo binh di động để bắn hạ các tên lửa tấn công mục tiêu trên mặt đất như tên lửa hành trình và đạn pháo phản lực (rocket). Dọc theo Biển Đông, các đơn vị pháo binh này sẽ được sử dụng như hệ thống phòng không hữu hiệu mà Mỹ đã triển khai ở Đông Âu và Trung Đông.
Scout Warrior dẫn lời một sĩ quan Lầu năm Góc cho biết, vũ khí Mỹ có thể triển khai đến khu vực này là đại bác M-777 hoặc pháo tự hành M109 Paladin, có thể hạ được tên lửa, máy bay và đạn rocket của Nga ở Đông Âu.
"Chúng tôi có thể sử dụng khẩu pháo Howitzer và loại pháo có thể ngăn chặn các mối đe dọa từ tên lửa tầm xa hay tên lửa hành trình", sĩ quan này cho biết.
Pháo mặt đất M777 có thể bắn hạ mục tiêu trên không nhờ công nghệ dẫn đường chính xác. Ảnh: Lục quân Mỹ |
Dù các quan chức Lầu Năm Góc chưa chính thức xác nhận triển vọng làm việc với các đồng minh để bố trí vũ khí như pháo mặt đất dùng phòng không ở Biển Đông, song họ nói rằng Mỹ đã đẩy mạnh sự phối hợp với các đồng minh trong khu vực.
"Chúng tôi tiếp tục làm việc với các đối tác và đồng minh của chúng tôi để phát triển khả năng an ninh hàng hải của họ", trung tá Bill Urban, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói với Scout Warrior.
Ở Biển Đông, Mỹ có mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc khi vừa hợp tác vừa đối đầu, nhất là khi nước này vừa đưa tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Bắc Kinh chiếm giữ trái phép), làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Lầu Năm Góc tuyên bố rằng Washington sẽ tiếp tục chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, bằng cách cho tàu hải quân đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông.
Ngoài ra, Mỹ có thể tìm cách triển khai thêm vũ khí phòng vệ và tấn công ở khu vực. Tất nhiên, động thái như vậy sẽ cần đến sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ ở khu vực vì Washington không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Lê Huyền (tổng hợp)