Theo tác giả người Mỹ Daniel Lazare, những viện trợ quân sự mà Washington và các đồng minh của họ rót vào tay các nhóm Hồi giáo ở Iraq và Syria, đặc biệt là các nhóm khủng bố như IS và al-Qaeda, chính là cơ sở để các nhóm này mở rộng phạm vi hoành hành ra khỏi Trung Đông.
Trong bài viết trên Consortiumnews.com, ông Daniel Lazare cho rằng, trong khi các nhà bình luận trên truyền thông phương Tây đang gồng sức đổ lỗi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại quốc gia này, thì họ lại hoàn toàn giữ im lặng về vai trò của Washington và NATO trong việc viện trợ quân sự cho các phần tử cực đoan dòng Hồi giáo Sunni tại khu vực.
Để minh chứng cho quan điểm của mình, Lazare đã đề cập đến cuộc giải phóng thành cổ Palmyra do quân đội chính phủ Syria thực hiện dưới sự hỗ trợ của lực lượng Không quân Nga.
Tác giả người Mỹ cho rằng, thay vì ca ngợi Bashar al-Assad vì đã giành lại được Palmyra, một vài nguồn tin truyền thông phương Tây lại chỉ xoáy vào việc đổ lỗi cho quân đội chính phủ vì đã để mất thành phố này vào tay IS hồi tháng 5/2015.
"Khi chiếm thành phố vào tháng 5, các chiến binh IS chỉ phải đối mặt với sự kháng cự thưa thớt và yếu ớt của quân đội Syria", tờ The New York Times viết.
Nhóm khủng bố IS rầm rộ tiến vào thành cổ Palmyra hồi tháng 5/2015. Ảnh: AP |
Lazare bác bỏ điều này và khẳng định nó hoàn toàn sai sự thật. Theo ông, thực tế, vào tháng 5/2015, quân đội Syria đã liên tục chiến đấu chống lại sự tiến công của IS trong suốt 7, 8 ngày và sau đó tổ chức một cuộc tấn công chống lại IS tại vùng ngoại ô thành phố.
Tuy nhiên, theo tác giả, đó mới chỉ là phân nửa của câu chuyện.
"Câu chuyện thật sự bắt đầu vào 2 tháng trước (tháng 3/2015), khi quân nổi dậy Syria mở một đợt tấn công lớn ở tỉnh Idlib, phía bắc Syria với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi. Được dẫn đầu bởi Mặt trận al-Nusra, một nhóm chiến binh địa phương có liên kết với al-Qaeda, mà đáng kể là sự tham gia đầy đủ của các lực lượng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn, cuộc tấn công này đã giành được thắng lợi nhờ một số lượng lớn các tên lửa TOW do Mỹ chế tạo và được cung cấp bởi Ả Rập Saudi", Lazare nhớ lại.
Ông cũng giải thích rằng những tên lửa này cho phép phiến quân chiếm thế thượng phong trước quân đội chính phủ Syria và phá hủy hàng chục xe tăng cùng các phương tiện quân sự khác của quân chính phủ.
Kết quả là, Mặt trận al-Nusra và các đồng minh của họ tiếp tục tiến công nhằm vào thành trì của quân đội chính phủ ở Latakia để "làm hài lòng các quan chức ở Washington".
"Những phòng tuyến chính của Assad ngày càng trở nên yếu hơn", một quan chức cao cấp ở Washington nói với The New York Times hồi cuối tháng 4/2015.
Khói bốc lên tại Palmyra, được cho là do IS nã pháo. Ảnh: Reuters |
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các binh sĩ nổi dậy ở Syria và Mặt trận al-Nusra giành được nhiều thắng lợi trên mặt đất, bởi thực tế, Washington và Ả Rập Saudi đã đổ hàng tỷ USD vào các lực lượng nổi dậy, Lazare nhận xét.
Cục diện này hoàn toàn mang lợi thế cho IS và sau đó, nhóm khủng bố phát động cuộc tấn công vào thành cổ Palmyra, tiếp đó là chiếm đóng và tàn phá di tích nổi tiếng này.
Điều khó hiểu là, ngay khi ấy, Lầu Năm Góc và các đồng minh NATO của họ quyết định tạm ngừng ném bom IS tại khu vực gần Palmyra. Giới chức Washington giải thích rằng, tại thời điểm đó, nếu liên minh do Mỹ dẫn đầu tấn công IS thì đồng nghĩa với việc đã cứu sống chế độ al-Assad. Và đó không phải mối quan tâm của Nhà Trắng.
"Cuối cùng, chính điều đó là thông điệp rõ ràng tới IS rằng chẳng cần phải lo ngại về những máy bay ném bom của Mỹ và hãy cứ tập trung vào trận chiến với quân đội Assad. Hành động của Mỹ lúc đó chẳng khác nào khuyến khích IS trước cuộc tấn công vào Palmyra", Lazare viết.
"Mặc dù những người dân sau đó đặt câu hỏi vì sau Mỹ không ném bom IS khi nhóm này đang hành quân qua sa mạc, thì câu trả lời lại khá đơn giản, rằng Washington không bận tâm đến những điều này", Lazare viết, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng mục tiêu chính của Washington chỉ là lật đổ Assad.
Tuy nhiên, sự lưỡng lự, mâu thuẫn của Washington đối với IS và al-Qaeda cuối cũng đã dẫn đến kết quả về sự bùng phát bạo lực ở châu Âu, tác giả Lazare nhấn mạnh.
Theo ông Lazare, giới lãnh đạo Mỹ và các quốc gia thành viên NATO sử dụng Tổng thống Syria Bashar al-Assad như một "vật tế thần" để tránh phải chịu trách nhiệm cho những đóng góp của họ về sự xuất hiện chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong khu vực.
"Sự trợ giúp ngày càng nhiều của Mỹ và các đồng minh cho những kẻ khủng bố cực đoan dòng Hồi giáo Sunni, điển hình là IS và al-Qaeda sẽ tăng lên và kéo dài. Kết quả là, sẽ có ngày càng nhiều hơn những vụ đánh bom, xả súng như ở Paris, Brussels, và nhiều nơi khác mà người ta chưa thể biết", Lazare cảnh báo.
[mecloud]OQrkntelNa[/mecloud]
Lê Huyền (Sputnik)