Cách đây 72 năm, vũ khí hạt nhân đã lần đầu tiên được sử dụng trong lịch sử chiến tranh nhân loại khi một quả bom có tên "Little Boy" được Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản ngày 6/8/1945. Ba ngày sau, một quả bom khác có tên là "Fat Man" được thả xuống Nagasaki.
Terumi Tanaka, 85 tuổi, một người sống sót trong vụ đánh bom nguyên tử ở thành phố Nagasaki kể lại rằng, ngày 9/8/1945 ở thành phố Nasagaki là một ngày nắng đẹp, rực rỡ ánh sáng. Khi đó, ông là một cậu bé 13 tuổi, đang chạy xuống cầu thang thì bị bất tỉnh do sức ép từ vụ nổ.
Khi tỉnh lại, ông phát hiện mình đang nắm dưới một cánh cửa bằng kính, mà bằng một cách kỳ diệu nào đó, nó đã không bị vỡ và đã cứu mạng ông. Nhà của ông Tanaka ở cách tâm vụ nổ khoảng 3,2 km. Không quân Mỹ đã ném quả bom có tên "Fat Man" xuống thành phố này.
Những thành viên trong gia đình ông, gồm hai người cô sống gần tâm vụ nổ, đã không được may mắn như ông. Ngày thứ 3 sau vụ ném bom, ông đã phải bước đi giữa hàng trăm thi thể và những người bị thương nặng. Đứa bé 13 tuổi khi đó bơ vơ đi tìm kiếm khắp nơi xem những người họ hàng của mình có được an toàn không.
8h15 (giờ Hiroshima) ngày 6/8/1945, máy bay B-29 Enola Gay của quân đội Mỹ thả quả bom nguyên tử "Little Boy" xuống trung tâm thành phố Hiroshima. Ngay lập tức, nó giết chết ít nhất 90.000 người. 90% nhà cửa ở Hiroshima bị hủy diệt hoặc hư hại. |
Ông Tanaka cuối cùng phát hiện ra rằng 5 thành viên trong gia đình đã thiệt mạng trong vụ đánh bom hạt nhân. Chính ông đã phải hỏa táng thi thể người cô trên một cánh đồng.
"Cho đến lúc chết, tôi sẽ không ngừng nghĩ về khung cảnh bi thảm, tang thương đó. Vũ khí hạt nhân không chỉ là vũ khí, nó thực sự là công cụ của quỷ dữ. Nó không thể cùng tồn tại với nhân loại", ông Tanaka nói với Sputnik.
Quyết định gây tranh cãi
Trong một nỗ lực để buộc chính phủ Nhật Bản phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện, tổng thống Mỹ khi đó là Henry Truman đã đưa ra quyết định gây tranh cãi là sử dụng bom nguyên tử mới phát triển từ dự án Manhattan nhằm vào các mục tiêu ở Nhật Bản.
Chính quyền Truman lập luận rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân là cần thiết vì người Nhật đã gây ra cuộc xâm lược quân sự ở châu Á sẽ không chấp nhận đầu hàng. Trong Thế chiến II, những chỉ huy bại trận của Nhật thường chọn cách kết thúc mạng sống bằng nghi lễ rạch bụng đau đớn giống như các võ sĩ samurai chứ không đầu hàng. Họ cho rằng Nhật sẽ ra đòn cuối cùng bằng một cuộc tấn công có thể cướp đi mạng sống hơn 100.000 binh sĩ Mỹ.
6 ngày sau khi quả bom nguyên tử thứ hai rơi xuống Nagasaki, ngày 15/8/1945, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng.
Một số nhà sử học Mỹ cho rằng, quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân cũng nhằm mục đích ngăn chặn sự can thiệp của Nga vào Nhật Bản và đảm bảo ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái BÌnh Dương sau chiến tranh.
Cảnh tượng người dân địa phương bị thương, hoặc nằm chết la liệt trên các con phố bị san phẳng, chỉ vài giờ sau khi Mỹ ném "Little Boy" xuống Hiroshima. |
Tuy nhiên, theo Jeremy Kuzmarov, trợ lý giáo sư về Lịch sử Mỹ ở Đại học Tulsa, Mỹ có thể đã cố tình kéo dài cuộc chiến.
"Đã có một khoản đầu tư khổng lồ vào dự án Manhattan. Họ cần chứng minh sức mạnh quân sự của Mỹ để cho những nhà đầu tư thấy rằng tiền đã được sử dụng tốt và để cho thế giới biết ai mới là bá chủ", chuyên gia này nhận định.
Kuzmarov nói thêm rằng chính quyền Mỹ đã có sự kiểm duyệt nặng nề sau những vụ tấn công nhằm thuyết phục công chúng rằng Hiroshima là một căn cứ quân sự.
"Đó là tuyên truyền ban đầu. Tất nhiên, điều đó không đúng sự thật. Con số khổng lồ những thường dân bị ảnh hưởng cả về ngắn hạn và lâu dài khiến vụ tấn công càng trở nên tàn bạo".
Những con số chính thức cho thấy đã có tới 140.000 người dân ở Hiroshima và 80.000 người ở Nagasaki thiệt mạng sau hai vụ đánh bom. Nhiều nạn nhân không chết trong ngày đầu tiên của vụ tấn công, trong khi phần lớn họ chết vì bỏng và bệnh tật từ chất phóng xạ. Nhiều người sống sót cũng đối mặt với nhiều loại bệnh tất do tiếp xúc với bức xạ.
Tháng 5/2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên đến thăm Hiroshima, tuy nhiên, ông không xin lỗi vì quyết định thả bom nguyên tử.
"Tại sao chúng ta đến nơi này, đến Hiroshima? Chúng ta đến để suy nghĩ về một thế lực khủng khiếp đã bùng nổ trong một quá khứ quá xa vời. Chúng ta đến để tưởng nhớ những người đã chết", ông Obama nói trong một bài phát biểu tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima.
Thách thức giải trừ vũ khí hạt nhân
72 năm sau vụ đánh bom hạt nhân thảm khốc, nhiều quốc gia lớn trên thế giới, đặc biệt là những nước đã phát triển vũ khí hạt nhân, vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.
Hôm 7/7, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Hiệp ước về Ngăn cấm vũ khí hạt nhân, hiệp ước quốc tế đầu tiên có hiệu lực pháp lý để ngăn chặn toàn diện vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, 69 trong số 193 quốc gia thuộc Liên hợp quốc đã không bỏ phiếu, bao gồm tất cả các nước đã có vũ khí hạt nhân.
Bê tông và thép chảy nhão. Chỉ vài phút, 75.000 người chết và bị thương nặng, 65% trong số đó là trẻ dưới 9 tuổi. Số người chết tiếp tục tăng vài ngày sau do bức xạ. |
5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga là những nước có vũ khí hạt nhân đều không bỏ phiếu cho hiệp ước này. Các quốc gia này là một phần của Hiệp ước về Không Phổ biến Vũ khí hạt nhân được ký năm 1968.
Khi Triều Tiên bắt đầu theo đuổi tích cực chương trình hạt nhân trong những năm gần đây, các nước láng giềng bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản cũng bắt đầu khám phá khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân.
"Theo các nhà địa chính trị khu vực, Triều Tiên cảm thấy cần thiết phải phát triển vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia. Điều này đã gây ra các cuộc tranh luận ở những quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản rằng liệu họ có nên sở hữu vũ khí hạt nhân hay không. Trong những khu vực mà căng thẳng địa chính trị còn ở mức cao, các quốc gia bắt đầu chú ý nhiều hơn tới vũ khí hạt nhân", Zhao Tong, một thành viên của Chương trình Chính sách Hạt nhân Carnegie tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh nói với Sputnik.
Ông Zhao cũng chỉ ra rằng, khi căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa Mỹ và các quốc gia hạt nhân khác như Nga và Trung Quốc, đã xuất hiện ý kiến trong chính quyền Obama kêu gọi chính phủ Mỹ bãi bỏ tiến trình giải trừ hạt nhân.
Nhật Bản hàng năm tưởng niệm hơn 140.000 người đã thiệt mạng trong vụ ném bom. Nhưng trên thực tế, con số nạn nhân lớn hơn rất nhiều, do rất nhiều người còn sống nhưng bị nhiễm xạ. |
Mặc dù thành công ban đầu trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu trong những năm đầu nhiệm kỳ, bao gồm việc ký Hiệp ước START mới với Nga, ông Obama vẫn buộc phải phê duyệt Chương trình Hiện đại hoá Hạt nhân Mỹ với tổng chi phí hơn một nghìn tỷ USD trong 30 năm tới.
Chuyên gia Trung Quốc giải thích rằng vũ khí hạt nhân vẫn cần thiết phải ngăn chặn vì sức phá huỷ khủng khiếp mà nó có thể gây ra so với vũ khí thông thường.
Ông Tanaka, người sống sót sau vụ đánh bom hạt nhân ở Nagasaki, cũng bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về tương lai của vũ khí hạt nhân.
"Tôi thường nghĩ rằng nhân loại sẽ bị hủy diệt", ông nói.
Những người Nhật ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân tin rằng nhiều người vẫn không hiểu được sự tàn ác của vũ khí hạt nhân. Bởi vậy, điều quan trọng là làm cho người dân, đặc biệt là các chính trị gia lắng nghe hơn nữa những nạn nhân của bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.
Lê Huyền (Sputnik)