Phát biểu tại Moscow, người đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết, mặc dù hệ thống tên lửa phòng thủ Buk do Nga sản xuất nhưng không hề được đưa từ Nga vào Ukraine bởi việc vận chuyển vũ khí như vậy không thể diễn ra mà không bị phát hiện.
Buk là dòng tên lửa đẩy đất đối không tầm trung, được phát triển từ thời Xô-viết đến nay, có khả năng bắn trúng mục tiêu trong phạm vi từ 11.000 đến 25.000 mét, tuỳ từng phiên bản.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định không có hệ thống phòng thủ tên lửa Buk hay bất kì thiết bị quân sự nào được chuyển từ Nga sang Ukraine
Theo phía Nga, quân đội Ukraine hiện đã triển khai một vài khẩu đội Buk, với ít nhất 27 bệ phóng, có thể hạ được cả những máy bay tầm cao ở vùng Donetsk.
Trước đó, Bộ quốc phòng Nga cũng đưa ra thông tin rằng, một khẩu đội tên lửa Buk đang hoạt động gần khu vực gặp nạn của máy bay tại vùng Donetsk, khi họ đã phát hiện được sóng của rada Kupol – một phần của khẩu đội tên lửa Buk-M1, ở khu vực Styla, một ngôi làng ở miền Nam Donetsk.
Trước đó, cơ quan an ninh Ukraine (SBU) cho biết, họ có bằng chứng quân li khai ở miền Đông đã nhận được hệ thống phòng thủ tên lửa Buk từ một đội lính của Nga.
Ngay sau khi thảm hoạ máy bay rơi xảy ra hôm 17-7-2014, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tuyên bố với cả đất nước rằng, những gì xảy ra với chiếc máy bay Malaysia MH17 là “một hành động khủng bố”.
Tuyên bố này đến trước khi Kiev khởi động một cuộc điều tra xác định nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines mang theo 300 hành khách và phi hành đoàn khi bay qua khu vực Donetsk, Ukraine, thì bị bắn hạ bởi tên lửa. Hiện tại, vẫn chưa thể kết luận lực lượng nào ở Ukraine thực hiện vụ tấn công khi cả phe li khai và quân đội Ukraine đều chối bỏ trách nhiệm cho hành động ghê tởm, đáng lên án và trừng phạt này.
Yên Yên