(Tinmoi.vn) Trong bối cảnh Nga đang lao đao trước những cáo buộc cũng như lệnh cấm vận từ Mỹ và phương Tây sau thảm kịch máy bay MH17 bị bắn hạ ở miền Đông Ukraine, sự im lặng của Trung Quốc - quốc gia vốn được xem là đồng minh của Nga khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu đằng sau sự bàng quan của Bắc Kinh có tồn tại một mưu đồ gì hay không?
Nga lao đao sau thảm kịch MH17
Chiếc máy bay thương mại Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia đã bị rơi ở khu vực Donetsk - Ukraine, cách biên giới với Nga khoảng gần 60km khiến 298 người trên máy bay thiệt mạng hôm 17/7 vừa qua. Cho đến thời điểm này, mọi chứng cớ liên quan cũng như dữ liệu hộp đen đều cho thấy chiếc máy bay xấu số này đã bị bắn hạ bởi một tên lửa. Tuy nhiên, thủ phạm thực sự đằng sau thảm kịch này vẫn còn là một cuộc tranh cãi vòng vo, chưa có hồi kết của Mỹ, phương Tây và Nga.
Thảm họa MH17 đang thu hút sự quan tâm, chú ý đặc biệt của dư luận thế giới, bởi nó không đơn thuần chỉ là một thảm họa nhân đạo cướp đi sinh mạng của 298 người vô tội, mà đằng sau đó là những toan tính chính trị hết sức phức tạp có thể biến một vụ tai nạn máy bay rơi trở thành ngòi nổ, phá vỡ cục diện hiện nay tại khu vực Đông Âu, cũng như làm thay đổi mối quan hệ giữa các nước có liên quan.
Trong khi Nga đang đơn độc gồng mình bác bỏ những cáo buộc liên quan cũng như lệnh trừng phạt mới từ Mỹ và phương Tây khiến Moscow ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế thì sự im lặng của Trung Quốc khiến không ít người phải hoài nghi.
Khi ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc đã vấp phải không ít những chỉ trích, lên án, phản đối của cộng đồng quốc tế. Khi đó, Nga - quốc gia có mối quan hệ thân thiết với cả Việt Nam và Trung Quốc đều giữ thái độ im lặng, không rõ đứng về bên nào. Lần duy nhất Nga lên tiếng liên quan đến vụ việc là khi Ngoại trưởng Sergei Lavrov kêu gọi các bên giải quyết căng thẳng thông qua các kênh ngoại giao. Có nhiều cách để lý giải cho thái độ này của Nga, mà trên hết là vì lợi ích quốc gia cũng như vị thế hiện tại của Nga . Moscow không lên tiếng phản đối, nhưng cũng không ủng hộ các bên trong tranh chấp Biển Đông.
Nga cùng từng giữ thái độ im lặng khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Tại thời điểm đó, Nga vừa sáp nhập Crimea và đang phải "trả giá" bằng hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, quan hệ quốc tế cũng rơi vào trạng thái đóng băng. Trung Quốc là quốc gia duy nhất ủng hộ Nga trong vấn đề Crimea, bởi vậy, sự im lặng ở Biển Đông của Moscow xem chừng là một sự "đáp trả". Quan hệ song phương Nga - Trung cũng có nhiều dấu mốc đáng nhớ trong thời gian này, đáng kể nhất là chuyến thăm 2 ngày của Tổng thống Nga Putin đến Bắc Kinh, động thái được xem là cú hích ngoại giao lớn đối với hai nước.
Trong khi đó, Việt Nam, vốn có mối quan hệ truyền thống mật thiết với Nga, dù nhận được nhiều sự ủng hộ từ các quốc gia khác như Mỹ, Nhật, Philippines... lại không được bằng hữu Nga lên tiếng bênh vực. Moscow có những lý do và toan tính riêng cho sự im lặng của mình. Về cơ bản, quan hệ Việt - Nga không hề bị ảnh hưởng sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, song khi đó, sự im lặng của Nga được xem như động thái "bật đèn xanh" cho Bắc Kinh "tác oai tác quái" trên Biển Đông.
Trở lại với thảm kịch MH17 vừa qua, với tình cảnh khó khăn của Nga lúc này, Trung Quốc đã thể hiện một thái độ vô cùng thờ ơ, mặc dù Bắc Kinh cũng vừa mới trải qua một sự cố tai nạn hàng không hi hữu của chiếc máy bay chở khách của Hãng hàng không Malaysia mang số hiệu MH-370, trên máy bay có 153 người Trung Quốc.
MH370 đã bị mất tích một cách bí ẩn, cho đến nay vẫn chưa rõ thực hư thế nào, nhưng không phải vì vấn đề này mà chính phủ Trung Quốc luôn giữ thái độ “lãnh cảm”, không chỉ trích mà cũng không ủng hộ bên nào, chỉ yêu cầu “làm rõ nguyên nhân”.
Như vậy, đứng trước sự kiện máy bay hàng không dân dụng MH17 bị rơi, rốt cuộc Bắc Kinh đứng về bên nào?
Trung Quốc bàng quan chờ "đục nước béo cò"
Qua những thông tin của truyền thông quốc tế cho thấy, Trung Quốc đang giữ im lặng trong thảm họa máy bay Malaysia rơi ở Ukraine. Hay nói cách khác, Bắc Kinh đang “Tọa sơn quan hổ đấu”, thậm chí có thể lợi dụng cơ hội này để “đục nước béo cò”.
Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông phương Tây đã chỉ ra sự im lặng tương đối của Trung Quốc trong vụ tai nạn MH17 và so sánh phản ứng yếu ớt của Bắc Kinh trong vụ MH17 với hành động phản đối kịch liệt trong vụ mất tích của chuyến bay MH370. Theo như một báo cáo từ phía Trung Quốc cho hay, phản ứng "nhu mì" của Bắc Kinh một phần do thực tế rằng, không có hành khách Trung Quốc nào trên chuyến bay MH17.
Tờ The Guardian của Anh cho rằng, Bắc Kinh giữ im lặng trong thảm họa hàng không MH17, do có quan hệ mật thiết với Moscow nên không thể chỉ trích Nga trong vụ việc này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không thể ủng hộ Nga và lực lượng ly khai miền Đông Ukraine, bởi như thế sẽ tạo ra những tiền lệ xấu đối với chủ nghĩa ly khai ở các khu tự trị trong nước.
Theo nhận định của các chuyên gia, sau thảm kịch MH17, Trung Quốc đang có nhiều toan tính riêng, nhân cơ hội này để "đục nước béo cò"
The Guardian còn đề cập đến việc Trung Quốc và Nga đã ký thỏa thuận liên quan đến việc Moscow sẽ cung ứng khí đốt cho Bắc Kinh với giá trị 400 tỷ, trong thời gian hơn 30 năm. Thỏa thuận này thể hiện quan hệ của hai nước đang ngày càng mật thiết, khiến cho 2 bên cần hỗ trợ nhau nhiều hơn trong các sự vụ quốc tế.
Người đứng đầu chính phủ Australia, Thủ tướng Tony Abbott tỏ ra lo ngại rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể coi thảm họa MH17 là một cơ hội để đẩy mạnh quan hệ vốn đã nồng ấm “một cách bất thường” trong thời gian gần đây với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Còn theo các quan sát viên quốc tế, Trung Quốc sẽ sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bảo vệ Nga trước những lời chỉ trích và một kết quả bất lợi trong một cuộc điều tra quốc tế. Như vậy sẽ càng làm cho Mỹ và EU nổi giận, tìm kế sách khác để “giải quyết” Nga, làm cho căng thẳng rất khó để “hạ nhiệt”.
Một số chuyên gia chính trị còn đưa ra nhận định là rất có thể Bắc Kinh sẽ lợi dụng tình hình Nga-Mỹ và EU đang đấu đá nhau sứt đầu mẻ trán (sắp tới sẽ còn căng thẳng hơn nữa), để đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khai thác kinh tế biển và khẳng định chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.
Điều này cũng có cơ sở khi xét lại vấn đề Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981, hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1-5 vừa qua, cùng với hành động cải tạo môi trường địa chất trên các đảo Chữ Thập và Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa nhằm “thay đổi hiện trạng” trên biển Đông.
Thời điểm đầu tháng 5 là giai đoạn bùng nổ cuộc nội chiến giữa chính quyền thân phương Tây ở Kiev và lực lượng dân quân ly khai miền Đông Ukraine. Lúc đó, Mỹ và EU đang ra sức hậu thuẫn cho Kiev và tăng cường bao vây, cấm vận Nga, còn Moscow cũng đang bận tâm tính toán các biện pháp đối phó và đáp trả Washington.
Đặc biệt là sau thời gian hơn mới hơn một tuần rút giàn khoan Hải Dương 981 về Hải Nam để tránh bão, Trung Quốc lại tuyên bố sẽ tiếp tục đưa giàn khoan này xuống hoạt động trong khoảng thời gian hơn 2 tháng nữa trên biển Đông (từ ngày 23-7 đến 30-9). Vì vậy, các nước trên biển Đông cần cảnh giác, theo dõi chặt chẽ những động thái di chuyển tiếp theo của giàn khoan này.
Yên Yên