Chuyện kể lại vào đầu năm 1980, trong một lần đánh bắt cá bên sông, bà Lưu, một người nông dân sinh sống ở Quan Âm Kiều, Trùng Khánh, Trung Quốc, vô tình nhặt được cục đá kỳ lạ dưới lớp bùn.
Sau khi rửa sạch bùn bám bên trên, bà nhận ra nó được làm bằng vàng. Bên trên còn khắc một con vật nào đó. Bà hào hứng cầm “viên gạch vàng” chạy về nhà.
Không giấu nổi vui mừng, bà có tiết lộ cho hàng xóm nghe, nào ngờ tin tức bay khắp nơi. Một số người cho rằng cục vàng bà nhặt là thật, số khác cho rằng nó là kim loại. Bán tín bán nghi, bà Lưu đã đem lửa ra thử. Kết quả khi bà nhóm lửa đặt “viên gạch” một hồi lâu thì phát hiện nó là vàng thật, tuy nhiên một phần “viên gạch” đã bị hỏng.
Hay tin, nhiều tay buôn cổ vật tìm đến làng của bà để mua lại. Họ đều bày tỏ sẵn sàng trả giá cao hơn người khác. Tuy nhiên, bà Lưu chưa đồng ý bán lại.
Cùng lúc đó, Cục Di tích văn hóa thành phố Trùng Khánh cũng hay tin, liền cử tổ chuyên gia tới nhà bà Lưu. Sau khi nắm được xuất xứ họ đã làm một thử nghiệm và đưa ra kết luận: “Viên gạch” bà Lưu nhặt được là con dấu niên đại từ thời Tây Hán. Con vật được chạm khắc bên trên là con rùa. Dấu ấn có chạm hình rùa mang ngụ ý tốt lành, may mắn và trường thọ. Phía dưới con dấu có khắc bốn 4 chữ cổ. Nhưng do bà Lưu dùng lửa đốt nên không còn đọc được là chữ gì.
Nhóm khảo cổ cũng đã phổ biến kiến thức về bảo vệ di tích văn hóa cho bà Lưu, bà đồng ý giao giao nộp con dấu này cho nhà nước. Qua đó, Cục Di tích Văn hóa đã trao cho bà Lưu bằng khen cùng 500 NDT (hơn 1,7 triệu đồng) để thay lời cảm ơn tới bà.
Cho tới nay, dù dùng nhiều cách nhưng các nhà khảo cổ vẫn chưa phục chế được phần bị hỏng. Họ nói: “Chỉ một mồi lửa đã khiến ấn vàng hụt mất 8 triệu NDT (hơn 27 tỷ đồng)".
Nói về cổ vật thời Tây Hán, năm 2021, các nhà khảo cổ học Viện khảo cổ tỉnh Thiểm Tây cũng đã phát hiện một nghĩa trang lớn từ thời Tây Hán. Nghĩa trang này là Đại Bảo Tử, nằm ở thị trấn Cao Trang thuộc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Theo đó, nhóm nghiên cứu tìm thấy 400 ngôi mộ và khai quật hơn 2.000 bộ đồ làm bằng gốm, đồng, ngọc, sắt và các di vật khác, trong đó có hơn 80 chiếc gương đồng tinh xảo từ thời nhà Hán.
Những chiếc gương này có các kích thước khác nhau, đường kính lớn nhất là 22 cm và đường kính nhỏ nhất khoảng 7 cm. Gương đồng được chế tác tinh xảo, mang giá trị thẩm mỹ cao, trên thân gương chạm khắc những ký tự mang ý nghĩa chúc phúc cho người sở hữu. Một số gương được bảo quản rất tốt, vẫn có thể phản chiếu rõ hình ảnh sau khi được làm sạch và phục hồi.
Theo Sohu, số lượng lớn gương đồng mới được khai quật sẽ cung cấp thêm những tư liệu phong phú và có giá trị cho công cuộc nghiên cứu văn hóa vật chất thời nhà Hán ở Trung Quốc, đặc biệt là thời kỳ đầu và giữa thời Tây Hán.
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra những ngôi mộ tại nghĩa trang Đại Bảo Tử được quy hoạch có trật tự, với sự khác biệt rõ ràng về cấp bậc.