Nhật Bản vừa lên án vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên là "không thể dung thứ". Vụ phóng thử tiến hành sau hai ngày Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận quân sự.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đã lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là một mối đe dọa "không thể dung thứ" cho sự ổn định trong khu vực sau khi nhà nước đang bị cô lập này đã bắn thử thành công một tên lửa từ tàu ngầm vào sáng thứ Tư.
Ban Chỉ huy Chiến lược Mỹ cho biết, tên lửa được cho là thuộc loại KN -11 , đã được phóng từ thành phố ven biển của Bắc Triều Tiên Sinpo vào khoảng 05:30 giờ địa phương và đã bay khoảng 500 km trước khi hạ cánh xuống vùng biển Nhật Bản.
Tên lửa được phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên. Ảnh: Guardian |
Abe nói rằng đây là lần đầu tiên một tên lửa của Bắc Triều Tiên phóng đi từ một tàu ngầm lọt được vào khu vực xác định phòng không của Nhật Bản, khu vực xác định phòng không là một khu vực tham chiếu mà các nước chỉ định để giúp duy trì an ninh hàng không.
"Điều này gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Nhật Bản, và là một hành động không thể dung thứ, gây thiệt hại đến hòa bình và ổn định của khu vực một cách rõ rệt", ông Abe nói với các phóng viên, ông nói thêm rằng Nhật Bản đã gửi các kháng nghị đến Triều Tiên.
Các bộ trưởng ngoại giao của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc được dự kiến cũng sẽ lên án vụ thử tên lửa khi họ tổ chức hội đàm tại Tokyo ngày hôm nay.
Hành động mới nhất này của Triều Tiên là một lời thách thức đối với các nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm nước này phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo.
Các quan chức ở Washington cho biết họ đã sẵn sàng để bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc, một ngày sau khi Triều Tiên đe dọa sẽ khởi động cuộc tấn công hạt nhân để phản đối cuộc tập trận chung thường niên của quân đội Mỹ-Hàn Quốc, cuộc tập trận mà Triều Tiên coi như một cuộc diễn tập cho hành động xâm lược.
"Chúng tôi cam kết bảo vệ các đồng minh của chúng tôi, bao gồm cả Hàn Quốc và Nhật Bản, khi đối mặt với những mối đe dọa, đây là lời khẳng định đanh thép" Gary Ross, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết.
"Chúng tôi vẫn chuẩn bị và sẵn sàng để bảo vệ mình và các đồng minh của chúng tôi từ bất kỳ cuộc tấn công hoặc khiêu khích nào. Chúng tôi kêu gọi Bắc Triều Tiên kiềm chế các hành động tiếp tục gây tăng căng thẳng trong khu vực và tập trung thực hiện các bước cụ thể đối với việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ quốc tế ".
Vụ phóng thử hôm thứ Tư cho thấy Bắc Triều Tiên đã đạt được tiến bộ trong mục tiêu của mình nhằm phát triển một tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công khu vực đất liền của Mỹ, mặc dù các chuyên gia nói rằng nước này không có một tên lửa hạt nhân đáng tin cậy có khả năng di chuyển khoảng cách xa như vậy.
Tuy vậy, các căn cứ quân sự của Mỹ và hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản đã nằm trong tầm bay của tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên đã công bố rất nhiều loại tên lửa trong năm nay , trong đó có một tên lửa hồi đầu tháng này đã hạ cánh lần đầu tiên trong hoặc gần vùng biển Nhật Bản kiểm soát.
Trường hợp Bắc Triều Tiên nắm được công nghệ phóng tên lửa từ tàu ngầm sẽ là một sự phát triển đáng báo động đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, vì tên lửa bắn từ bên dưới bề mặt của đại dương sẽ khó khăn để phát hiện hơn so với trên mặt đất.
Khoảng cách 500 km được ghi lại vào ngày thứ tư lớn hơn khoảng cách đã đạt được từ vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tàu ngầm lần trước [ SLBM ] , theo các chuyên gia quốc phòng. Triều Tiên đã phóng thử hai tên lửa từ tàu ngầm đầu năm nay, nhưng các quan chức quốc phòng ở Seoul tin rằng chúng đã phát nổ trong không trung sau khi bay chưa được 30 km.
"Công nghệ SLBM của Bắc Triều Tiên dường như đã có tiến triển", một quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết.
Jeffrey Lewis tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California cho biết: "Tôi nghĩ rằng có lẽ họ đã thành công. Chúng tôi không biết đầy đủ, nhưng 500 km là một trong hai, phạm vi đầy đủ hoặc một phạm vi giai đoạn trên một quỹ đạo hành trình. Dù là thế nào đi nữa, với khoảng cách này là đủ để gắn một đầu đạn."
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa. Ảnh: Guardian |
Bắc Triều Tiên đã trở thành mục tiêu của các biện pháp trừng phạt mới từ Liên Hợp Quốc kể từ khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng Một, tiếp theo đó là sự ra mắt của một tên lửa tầm xa.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên được đào sâu hơn sau cuộc đào tẩu gần đây của Phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại London sang Hàn Quốc, vụ đào tẩu được coi là một mất mát đáng xấu hổ và mất mặt đối với lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un.
Tổng thống Hàn Quốc, Park Geun-hye, cho biết vụ đào tẩu là một dấu hiệu cho thấy "rạn nứt nghiêm trọng" đã nổi lên trong chế độ.
Vụ phóng thử tên lửa hôm thứ Tư được tiến hành sau khi Bắc Triều Tiên cảnh báo rằng cuộc tập trận kéo dài 12 ngày Ulchi Freedom giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã đẩy bán đảo Triều Tiên "đến bờ vực của một cuộc chiến tranh" và yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Những phát biểu đó không phải là bất thường, chế độ ở Bình Nhưỡng thường đưa ra những lời lẽ tương tự để đánh dấu sự bắt đầu của cuộc tập trận Mỹ-Hàn hàng năm với một loạt các lời lẽ hiếu chiến.
Trong một bức thư gửi cho chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đại sứ Liên Hợp Quốc của Bắc Triều Tiên Jan Song-nam cáo buộc Mỹ "tạo ra nguy cơ chiến tranh" với cuộc tập trận chung, bắt đầu vào thứ hai.
Bình Nhưỡng cũng đã lên tiếng giận dữ về kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tiên tiến ở Hàn Quốc.
Quý Vũ (Guardian)