Với đầu óc kinh doanh nhạy bén, sắc sảo, nhiều ông, bà chủ đã đem lại danh tiếng về sự giàu có và thành đạt cho cả gia đình. Chỉ cần nhắc đến cái tên của họ là ai cũng phải thán phục.
Gia đình tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam - Phạm Nhật Vượng
Trong danh sách xếp hạng các tỷ phú năm 2015 được tạp chí Forbes công bố ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam, với khối tài sản 1,7 tỷ USD, tăng so với mức 1,6 tỷ USD của năm ngoái. Năm nay là năm thứ ba liên tiếp ông Vượng có tên trong danh sách này.
Với mức tài sản trên, ông Phạm Nhật Vượng - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Vingroup - hiện là người giàu thứ 1.118 trên thế giới, so với vị trí 1.092 của năm ngoái.
Theo Forbes, năm qua, ông Vượng đã thực hiện hàng chục dự án mới, trong đó nổi bật nhất là dự án Vinhomes Central Park trị giá 1,5 tỷ USD bao gồm một tòa nhà 81 tầng dự kiến là tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Năm 2013, ông Vượng được Forbes xác định có 1,5 tỷ USD, đứng thứ vị trí 974 trong danh sách tỷ phú thế giới.
Ông Vượng gây bão với hàng loạt các dự án đứng đầu cả nước và mang tầm khu vực như: Vinpearl Land, trung tâm thương mại lớn nhất khu vực, thủy cung lớn nhất Việt Nam, hàng loạt các tổ hợp nhà ở cao cấp rồi lấn sân sang y tế, bán lẻ, giáo dục và gần đây là thời trang.
Được biết, ông Phạm Nhật Vượng (sinh năm 1968 tại Hà Nội) khởi nghiệp bằng hoạt động kinh doanh trong cộng đồng người Việt tại Ukraina. Sau đó, ông phát triển Tập đoàn kinh tế Technocom – giữ vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất thức ăn nhanh tại quốc gia Đông Âu này, đồng thời xuất khẩu sản phẩm cho 29 thị trường quốc tế.
Đầu những năm 2000, ông Vượng đầu tư về Việt Nam và hiện là người đứng đầu Tập đoàn Vingroup với vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng. Hiện nay ông Vượng đã chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh về nước, để lại dấu ấn đặc biệt ở những khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng và các tòa tháp văn phòng, trung tâm thương mại cao cấp nhất Việt Nam.
Vợ ông là bà Phạm Thu Hương cùng em là Phạm Thu Hằng đều là Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Gắn liền với gia đình họ Phạm này là những thương hiệu lớn trong ngành kinh doanh bất động sản như Vincom, Vinpearl, Vinhomes, hay y tế, giáo dục như Vinmec, Vinschool…
Đế chế gia đình của “lão bà” Tư Hường
Sinh năm 1936, doanh nhân Trần Thị Hường (Tư Hường) là một hiện tượng hiếm có về khả năng làm việc phi thường. Với tuổi đời ngót nghét 80, bà Tư Hường là một doanh nhân thế hệ đầu hiện vẫn đang trực tiếp điều hành doanh nghiệp có quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Vài thập kỷ trước, tiếng tăm của bà Tư Hường nổi như cồn với rất nhiều thương vụ đình đám thu về hàng chục triệu USD.
Tuổi đời đã cao, nhiều người cho rằng bà Tư Hường nên “về vườn” để nghỉ dưỡng tuổi già. Tuy nhiên, niềm đam mê kinh doanh như đã ăn vào máu bà Tư Hường nên bà vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Cách đây vài năm, nữ đại gia gần 80 tuổi này còn khiến cái tên Hoàn Cầu nổi đình đám hơn nữa với việc lần đầu tiên đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ về Việt Nam và mời được Lady Gaga đến biểu diễn. Cùng với sự kiện hoa hậu là sự ra đời của khu resort Diamond Bay nổi tiếng ở Nha Trang.
Hiện lão bà doanh nhân Tư Hường còn sở hữu một lượng lớn cổ phần tại Ngân hàng Nam Á và đang cố vấn cho HĐQT ngân hàng này. Có lẽ niềm đam mê kinh doanh là yếu tố khiến bà Tư Hường ở tuổi gần đất xa trời vẫn còn sức làm việc mà ít người theo kịp.
Gia đình ông Nguyễn Đăng Quang
Ông Quang hiện là Chủ tịch Tập đoàn Masan. Thông qua mua bán, sáp nhập những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Tập đoàn Masan cho thấy rõ tham vọng trở thành đế chế hàng tiêu dùng.
Theo báo cáo thường niên của Masan, Doanh thu năm 2012 của Masan đạt 10.575 tỷ đồng, gấp 14 lần năm 2007 và lợi nhuận sau thuế đạt 1.962 tỷ đồng, gấp 20 lần năm 2007. Tổng giá trị thị trường của Công ty hiện đạt xấp xỉ 3 tỷ USD. Masan hiện là công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam và đứng thứ ba trong các doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất TTCK, sau Tổng công ty Khí Việt Nam và Vinamilk.
Công ty cổ phần Tập Đoàn Masan do ông Nguyễn Đăng Quang là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, ông chỉ nắm giữ 10 đơn vị cổ phiếu. Còn vợ ông Quang, bà Nguyễn Hoàng Yến lại là một nhân vật nắm khá nhiều cổ phiếu MSN. Với việc tăng giá 4.000 đồng/cổ phiếu trong những ngày gần đây, tương đương mức tăng 4,3% đã đưa cổ phiếu của công ty lên mốc 97.000 đồng/cổ phiếu.
Tính đến tháng 12/2014, bà Nguyễn Hoàng Yến - vợ của ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch HĐQT Masan Group (MSN) đang sở hữu 21,78 triệu cổ phiếu. Như vậy, nếu mua thành công 8 triệu cổ phiếu MSN, bà Yến sẽ nâng lượng nắm giữ lên 29,78 triệu cổ phiếu, tương đương 4% cổ phần của Masan Group.
Với thị giá cổ phiếu MSN thời điểm đó với giá 81.500 đồng/cp thì lượng cổ phiếu mua thêm sẽ có trị giá hơn 650 tỷ đồng. Tổng tài sản dưới dạng cổ phiếu của bà Yến quy ra tiền sẽ vào khoảng 2.400 tỷ đồng. Và như vậy, bà Yến sẽ vươn lên vị trí thứ 5 trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK và là phụ nữ giàu thứ 2 trên bảng xếp hạng, chỉ sau vợ của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng - Phạm Thu Hương.
Trước đó, bà Nguyễn Hoàng Yến đã từng đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK. Tuy nhiên, cú lao dốc của cổ phiếu MSN trong năm 2013 đã khiến tài sản của vợ ông trùm về từ Đông Âu này bốc hơi hơn 420 tỷ đồng và tụt 2 hạng so với năm 2012. Thương vụ mua vào lần này, nếu thành công, sẽ giúp bà Yến trở lại vị trí tốp 5.
hông chỉ nắm giữ lượng lớn cổ phiếu MSN, bà Yến còn được biết đến là người phụ nữ đầy quyền lực trong lĩnh vực kinh doanh. Cùng với chồng, bà tham gia trực tiếp vào công việc điều hành hàng loạt doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam.
Hồi giữa năm 2013, một thời gian sau khi Masan thâu tóm thành công Vinacafe Biên Hòa, bà Yến là một trong ba người được bầu mới vào HĐQT, thay cho ông Nguyễn Đăng Quang xin rút khỏi HĐQT công ty.
Hiện bà Yến là thành viên HĐQT của Masan Group; là thành viên HĐQT của Masan Consumer; thành viên HĐQT Công ty cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo, Công ty cổ phần Masan PQ...
Bên cạnh đó, bà Yến hiện cũng là Phó TGĐ của Masan Group và Phó TGĐ của Masan Consumer - MSF.
Tại Techcombank, tính tới cuối quý II/2014, bà Yến còn sở hữu gần 7 triệu cổ phần TCB của Techcombank. Tuy nhiên do ngân hàng này chưa niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán tập trung nên không ước lượng được giá trị số cổ phiếu mà bà Yến đang nắm tại đây.
Đế chế gia đình vàng Bảo Tín
Ở vào cái tuổi gần 80, vậy mà bà Lương Thị Điểm - người đã tạo dựng nên doanh nghiệp vàng Bảo Tín hàng ngày vẫn say sưa miệt mài với công việc kinh doanh cũng như công tác xã hội. Bà vẫn là người chủ tinh thần và quyết định quan trọng nhất ở hệ thống kinh doanh vàng bạc tư nhân lớn ở Hà Thành.
Để có được thành công như ngày hôm nay, doanh nhân Lương Thị Điểm đã phải trả qua biết bao gian nan khổ cực, nhiều khi tưởng như không thể vượt qua.
Mặc dù tuổi cao, bà vẫn dành thời gian, sức lực và tâm huyết làm việc thiện, tham gia ủng hộ đồng bào gặp thiên tai, bão lụt, những mảnh đời cơ nhỡ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Với những người nghèo ở địa phương gặp khó khăn, bà cho vay hàng chục triệu đồng không tính lãi.
Bà Lương Thị Điểm không chỉ thành công trong kinh doanh, trong việc thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, mà còn thành công trong việc tạo dựng một mái ấm gia đình, bà được bình chọn là một điển hình trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Đặc biệt, cả 6 người con đều kế nghiệp của bà và rất thành công với hệ thống kinh doanh vàng Bảo Tín ở Hà Nội với một loạt hàng vàng nổi tiếng như Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Hồng Quân, Bảo Tín Mạnh Hải, Bảo Tín Thanh Vân, Bảo Tín Hoàng Long nhưng bà vẫn chưa nghỉ ngơi, xa rời doanh nghiệp Bảo Tín do vợ chồng bà kỳ công xây dựng từ hàng chục năm trước đây.
Bảo An (tổng hợp)
Mời độc giả xem thêm clip: Nỗi sợ mang tên bạo lực học đường, bạo hành tinh thần