Đại gia đồng nát xây lâu đài dát vàng, sắm giường đắt nhất thế giới..., là những kiểu chơi ngông của các đại gia Việt.
Đại gia đồng nát xây lâu đài dát vàng
Theo tin tức trên Gia Đình Và Xã Hội, tòa lâu đài dát vàng ở đường Hoàng Quốc Việt của đại gia Cầu Giấy từng làm xôn xao dư luận là ông Nguyễn Quốc Thanh. Được biết ông Thanh có biệt danh là “Thanh sắt” nổi tiếng ở Cầu Giấy và Hà Nội với nghề thu gom sắt phế liệu.
Về tòa lâu đài cao cấp, phần đất để xây tòa nhà này được vị chủ nhân mua lại của các hộ dân xung quanh. Diện tích tòa nhà là khoảng 400m2 nằm trong một con ngõ trên đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy. Các hộ dân sống quanh tòa lâu đài này khẳng định đây là ngôi nhà "có một không hai trên đất Hà thành".
Tòa lâu đài gồm 5 tầng lầu và một chóp nhọn tròn theo phong cách Âu cổ. Người đi đường có thể thấy rõ lối kiến trúc này khi đi trên đường đê Bưởi nhìn sang. Tòa nhà đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện.
Điểm nhấn của tòa nhà mà ai cũng có thể nhận ra đó chính là 6 con gà dát vàng trên đỉnh chóp, gồm 1 con gà lớn và 5 con gà nhỏ. Thông tin đồn đoán cho rằng, số gà vàng nêu trên đã tiêu tốn của vị chủ nhân hàng chục tỷ đồng. Riêng phần gỗ dùng làm cửa cũng mất đến 4 tỷ đồng.
Về tổng chi phí của công trình này, hàng xóm xung quanh nhà đại gia này ước lượng vào cỡ 70 tỷ đồng chưa tính đến đồ nội thất bên trong.
Sắm giường đắt nhất thế giới
Đại gia Lê Ân, đã mua chiếc "siêu giường" từ Anh Quốc có trị giá 4 tỷ đồng, thêm cả công đoạn lắp ráp, vận chuyển và chịu thuế, ông Lê Ân đã bỏ ra ngót 6 tỷ đồng để sở hữu chiếc giường quý tộc.
"Siêu giường 6 tỷ cả đại gia Lê Ân
Được biết, chiếc giường ông Lê Ân đặt mua là sản phẩm của hãng Savoir Beds, được thiết kế thủ công bởi những người thợ tay nghề của nhãn hàng xa xỉ Hermes. Ông Lê Ân cho biết, mua giường này không phải để ngủ mà để thế giới biết rằng Việt Nam cũng có nhiều đại gia lắm tiền không khác gì Trung Quốc.
Chiếc giường này được tạo ra dựa trên thiết kế cho Hoàng gia Anh giai đoạn 1640-1740. Phần màn treo quanh giường được thêu từ hơn 2.500 km sợi lụa bởi các thợ thủ công của nhãn hàng xa xỉ Hermes.
Đệm của giường là 32 kg lông đuôi ngựa Nam Mỹ được xé bằng tay và bọc trong len cashmere của Mông Cổ. Chất liệu này vừa chống nóng, vừa hút ẩm, lại đuổi được bọ. Theo thợ thủ công chính Jonathan Mason, ông và các thợ thủ công khác ở London đã phải mất 604 giờ để hoàn thành một chiếc Royal Bed.
Trong đó các thợ may, thợ mộc đã phải mất tới 136 giờ để hoàn thành phần thô. Sau đó, các thợ thủ công đầu tư thêm hơn 468 giờ để hoàn thiện nốt chiếc giường trước khi chuyển về Việt Nam.
Theo Savoir Beds, hãng chỉ bán 60 chiếc giường loại này trên thế giới, để kỷ niệm 60 năm Nữ hoàng Anh Elizabeth tại vị.
Đóng cửa Đại Nam, chiêu PR chưa từng có?
Vào cuối năm 2014, dư luận gần như “phát sốt” với việc đại gia Dũng “lò vôi” đóng cửa khu du lịch Đại Nam.
Sự kiện Chủ tịch HĐQT công ty Đại Nam – ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng “lò vôi”) đóng cửa khu du lịch Đại Nam bắt nguồn từ việc vị đại gia này tố cáo chính quyền UBND tỉnh Bình Dương “o ép” ông trong việc rút lại giấy phép sử dụng đất dài hạn Khu công nghiệp Sóng thần 3.
Việc tranh chấp đất đai không phải là chuyện lạ từ trước đến nay, tuy nhiên việc một đại gia chấp nhận đóng cửa khu du lịch có vốn đầu tư lên tới hơn 5.000 tỷ đồng vì “hết chịu nổi” sức ép từ lãnh đạo địa phương là chuyện chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Và như một chuỗi hệ thống, việc làm “vô tiền khoáng hậu” này của ông Dũng đã khiến dư luận chú ý và nhanh chóng cái tên Dũng “lò vôi” và khu du lịch Đại Nam bỗng chốc “nổi như cồn”. Người ta bắt đầu quan tâm tới tất tần tật mọi chuyện liên quan xung quanh vị đại gia này: từ quá khứ vươn lên làm giàu của ông, chuyện tình sóng gió với người vợ hiện tại, rồi việc ông bỏ nghìn tỷ để thu về “bạc cắc” khi xây khu du lịch Đại Nam và cả chuyện ông chuyển toàn bộ tài sản để con trai khi đó mới 1 tuổi của mình trở thành tỷ phú trẻ nhất Việt Nam.
Thế người ta mới thấy, Dũng “lò vôi” không phải không biết “chơi ngông”. Có điều ông không như các đại gia khác khi khoe xe sang, nhà đẹp, Dũng “lò vôi” lại luôn biết cách để dư luận chú ý tới tên tuổi của mình bằng cách riêng. Cùng với việc ông tuyên bố đóng cửa Đại Nam, nếu như ông đóng cửa ngay thì chắc chắn sẽ không có “hiệu ứng” như hiện tại, hoặc giả người ta sẽ cũng sẽ chỉ quan tâm tới khu du lịch đó ra sao và nguyên nhân của vụ đóng cửa này đơn thuần là tranh chấp đất cát mà thôi.
Tuy nhiên, ông Dũng “lò vôi” lại biến chuyện tranh chấp đất thuần túy này với quyền lợi vui chơi của người dân Bình Dương và cả chuyện cứu sống hàng trăm nghìn tính mạng trẻ em cần mổ tim tại quỹ Từ thiện Hằng Hữu của mình. Dù không nói ra nhưng đây chính là “sức ép” vô hình lên chính quyền tỉnh Bình Dương khi trong việc thu hồi giấy phép sử dụng lâu dài khu công nghiệp sóng thần 3 của công ty Đại Nam.