Lịch sử ghi nhận có rất nhiều chương trình đội lốt "thí nghiệm khoa học" vô cùng rùng rợn, tàn bạo trên chính cơ thể người, nhân danh các mục đích khoa học.
1. Thí nghiệm "đông lạnh" người
Thí nghiệm trên con người của Đức Quốc xã được tiến hành với số lượng lớn trong các trại tập trung người Do thái thời Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Ở Auschwitz, dưới sự chỉ đạo của tiến sĩ Eduard Wirths, các tù nhân được lựa chọn để trở thành đối tượng được thí nghiệm khác nhau.
Bác sỹ Sigmund Rescher chịu trách nhiệm về những thí nghiệm "đông lạnh". Thí nghiệm này gồm hai loại: Thứ nhất, xem cơ thể con người có thể chịu lạnh được đến đâu trước khi chết; Thứ hai, tìm cách tốt nhất để sưởi ấm cơ thể sau khi đã sống trong nhiệt độ rất lạnh.
Thí nghiệm ngâm người trong nước đá của phát xít Đức
Rescher gọi cho trại tù binh đưa đến hai sỹ quan Nga. Hắn bắt họ khoả thân nằm trong một chum nước lạnh khoảng 2 độ C. Người bình thường chỉ khoảng 60 phút là bất tỉnh nhân sự, thế nhưng hai sỹ quan căn răng chịu đựng được trong khoảng 2 giờ rưỡi. Đến khi bị cái lạnh cắt da thịt hành hạ đau đớn, các nạn nhân xin chích thuốc ngủ nhưng bị Rescher bác bỏ. Sau 3 giờ, một sỹ quan nói với người kia: "Hãy nói tên sỹ quan bắn chúng ta đi". Người kia trả lời rằng ông không muốn nhận ân huệ từ con chó phát xít. Hai người bắt tay nhau và nói: "Vĩnh biệt đồng chí!" rồi hôn mê. Thí nghiệm kinh hoàng kéo dài suốt 5 giờ đồng hồ.
2. Đơn vị 731 - giải phẫu sống
Đơn vị 731, với tên gọi chính thức là "Cục phòng chống dịch bệnh và lọc trừ nước của đội quân Quan Đông ", là lực lượng mật phục vụ nghiên cứu về chiến tranh sinh học và hóa học, trực thuộc chỉ huy của quân đội Nhật Hoàng trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ II. Đây cũng là đơn vị phát triển nhất về lĩnh vực này, cũng như kiêm luôn việc thực các thí nghiệm trực tiếp trên cơ thể con người (còn sống cũng như đã chết), và khét tiếng nhất về các tội ác chiến tranh từng thực hiện bởi phát xít Nhật.
Các nhà khoa học của phát xít Nhật đã tiến hành giải phẫu sống trên các bệnh nhân mà không cần thuốc gây tê để nghiên cứu bệnh. Chúng khoét mổ phần thân giữa của các tù nhân, sau đó cho họ lây nhiễm mầm bệnh sốt Rickettsia và bệnh dịch tả. Những người sống sót sẽ bị treo cổ tới chết.
3. Dự án 4.1 - tiếp xúc phóng xạ
Dự án 4.1 là một nghiên cứu y học được tiến hành bởi Hoa Kỳ trên những cư dân quần đảo Marshall từng tiếp xúc với bụi phóng xạ của vụ thử hạt nhân Castle Bravo vào ngày 1.3.1954.
Mỹ đã thử nghiệm các quả bom nguyên tử trên quần đảo Marshall, khiến các cư dân tại đây phơi nhiễm với bụi phóng xạ. Các nạn nhân bị từ chối chữa trị. Thay vào đó, Mỹ nghiên cứu các bệnh ung thư do tiếp xúc phóng xạ của họ và buộc họ phải rời khỏi quần đảo.
Báo cáo thí nghiệm sau đó được đưa ra cho thấy tình trạng sẩy thai và thai chết lưu ở phụ nữ bị nhiễm xạ tăng gấp đôi trong 5 năm đầu tiên nhưng sau đó lại trở về bình thường. Trẻ em ở đảo này gặp một vài vấn đề trong phát triển nhưng không phổ biến.
4. Cuộc thử nghiệm ở nhà tù Stanford
Thí nghiệm nhà tù Stanford là một nghiên cứu tìm hiểu và đánh giá về hành vi của các cá nhân khác nhau trong vai trò tù nhân hoặc cai ngục và xem xét biểu hiện của họ trong từng vai trò. Thí nghiệm được một nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu là nhà tâm lý học Philip Zimbardo tại Đại học Stanford (Mỹ) tiến hành vào năm 1971.
Các tình nguyện viên tham gia chương trình được chia làm hai nhóm. Một nhóm đóng vai cai ngục và một nhóm đóng vai tù nhân sống trong một nhà tù giả được dựng dưới tầng hầm của ĐH Stanford.
Sau 5 ngày sau tiến hành thí nghiệm, các “tù nhân” và “cai ngục” nhanh chóng thích nghi với vai trò của mình, thậm chí còn “nhập vai” quá tốt so với những gì được dự đoán dẫn đến các tình huống nguy hiểm và gây tổn hại tâm lý. Một phần ba các cai ngục xuất hiện hành vi tàn bạo, trong khi nhiều tù nhân bị tổn thương về mặt tinh thần ngay cả sau khi kết thúc cuộc thí nghiệm. Cuối cùng, do sự phản đối của dư luận về việc lạm dụng các đối tượng tình nguyện, Zimbardo đã phải chấm dứt toàn bộ thí nghiệm.
5. Dự án Aversion
Dự án Aversion được quân đội Nam Phi triển khai trong thập niên 70, 80 thế kỷ XX nhằm thí nghiệm y khoa phi đạo đức trên gần 1.000 binh linh da trắng nhằm nhổ tận gốc tình trạng tình dục đồng tính.
Theo "Dự án Aversion", việc chữa trị "chứng bệnh" này cho các quân nhân được tiến hành trong 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu được tiến hành ngay tại đơn vị quân đội cơ sở, các quân nhân mắc chứng đồng tính luyến ái sẽ bị biệt giam sau khi chịu trói vào một cọc gỗ ngoài trời để đồng đội chế giễu, thậm chí đánh đập.
Nếu giai đoạn 1 không chữa khỏi, sẽ tới giai đoạn 2, binh lính được chuyển qua điều trị tại bệnh viện quân đội Voortrekkerhoogte, gần Pretoria. Những người có thể không được 'chữa khỏi' này sẽ được điều trị thuốc, các liệu pháp sốc gây ảo giác, điều trị nội tiết tố bằng cách tiêm hooc-mon để chuyển đổi giới tính.
Trang Vũ (Tổng hợp)