Hải quân Mỹ cuối cùng cũng tiến hành tuần tra đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép tại Biển Đông trong tuần này sau nhiều tháng Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao trì hoãn phê duyệt nhiệm vụ này.
Ngay từ giữa tháng, Lầu Năm Góc đã cân nhắc việc đưa máy bay quân sự và tàu chiến tới để khẳng định nguyên tắc tự do hàng hải quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter yêu cầu đưa ra những lựa chọn để phản ứng lại hoạt động xây dựng nhanh chóng của Bắc Kinh.
Việc tuần tra cuối cùng cũng diễn ra hôm 27/10. Mỹ đã gửi tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen tới khu vực thuộc phạm vi 12 hải lý quanh đá Xu Bi, khiến Trung Quốc nổi giận và đe dọa làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cuộc tranh luận kéo dài, có cường độ cao trong nội bộ Mỹ về việc tuần tra mà Reuters tiết lộ dường như mâu thuẫn với những gì mà Washington khẳng định: đây chỉ đơn giản là hoạt động thực thi tự do hàng hải.
Theo một số quan chức và chuyên gia an ninh Mỹ, cuộc tuần tra diễn ra trong vài tháng tới cho phép Bắc Kinh củng cố lại lập trường của mình.
Sự thận trọng của Washington cũng khiến một số quan chức quân sự Nhật Bản và Philippines - cả 2 đồng minh an ninh của Mỹ - lo lắng. Họ quan ngại rằng những tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ không hãm được.
Các quan chức quân sự Mỹ và Lầu Năm Góc đã sẵn sàng tuần tra trong nhiều tháng nhưng lại bị kẹt trong "sự trì hoãn lặp đi lặp lại" của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, một quan chức quốc phòng Mỹ nói.
Cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đều muốn tránh đưa ra bất cứ hoạt động nào để đáp trả các sự kiện khác, ví dụ như vụ xâm phạm 21 triệu hồ sơ nhân viên chính phủ Mỹ liên quan tới các tin tặc Trung Quốc. Trung Quốc đã phủ nhận không liên quan tới vụ tấn công này.
"Mối quan ngại ở đây là nếu chúng ta sẵn sàng phản ứng lại những gì Trung Quốc đã làm, nó sẽ phá hoại lời khẳng định của chúng ta rằng: Đây là vấn đề luật pháp quốc tế và quyền của chúng ta là đi lại tại các vùng biển", quan chức Mỹ nói.
Tàu chiến USS Lassen được điều tới tuần tra Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Bộ Ngoại giao Mỹ đã không phản ứng chính thức cho câu hỏi tại sao nhiệm vụ này lại kéo dài. Nhà Trắng cũng từ chối bình luận chính thức về những lời chỉ trích.
Áp lực của hành động này là diễn ra ở thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung, khi mà các cường quốc tiến gần tới việc đồng ý một thỏa thuận hạt nhân Iran và Washington chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Mỹ vào tháng 9.
Đến cuối tháng 9, hai nước đã đạt được một sự đồng thuật trước khi cuộc tuần tra diễn ra mặc dù ông Tập Cận Bình khẳng định rằng Trung Quốc "không có ý định" quân sự hóa các đảo.
Ông Obama - người đã tìm cách tránh đối đầu với Mỹ và giảm bớt sự tham gia trực tiếp của Mỹ trong các cuộc chiến - đã rất cẩn thận cân nhắc sự cần thiết tiến hành hành động có nguy cơ làm dáy lên cuộc xung đột vũ trang không chủ ý, gây tổn hại nghiêm trọng cho ngoại giao và kinh tế.
Dưới chiến lược "xoay trục" sang châu Á, 60% tài sản của Hải quân Mỹ sẽ được triển khai tới khu vực Thái Bình Dương vào năm 2020. Đây là thách thức đối với sự phát triển nhanh chóng cả về sức mạnh lẫn tham vọng hàng hải của Trung Quốc.
Một quan chức khác của Mỹ nói rằng lý do quan trọng để các cuộc tranh luận nội bộ kéo dài là để đảm bảo rằng mọi biện pháp có thể, khi được thực hiện sẽ giảm thiểu nguy cơ đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở trên biển. Người này cho biết việc ông Obama và các quan chức cấp cao của Mỹ cong khai gửi điện về khả năng tuần tra hải quân tại khu vực này là một chiến lược "bất ngờ" đối với Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Obama cho biết chính phủ đã thông qua một "quy trình liên ngành nghiêm ngặt" để đưa ra các phương án cho tổng thống.
"Mục đích của chúng tôi là đảm bảo đưa ra những quyết định thông minh để thúc đẩy các mục Tiêu Chiến lược của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả các vấn đề hàng hải", vị quan chức này nói.
Các quan chức Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ thường tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên toàn thế giới để thách thức những yêu sách hàng hải quá mức. Trung Quốc đòi yêu sách với hầu hết Biển Đông, chồng chéo lên yêu sách của các nước khác là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, giới hạn 12 hải lý không được thiết lập quanh các đảo nhân tạo xây trên những rạn san hô ngập nước từ trước. 4 trong số 7 rạn san hô mà Trung Quốc khai hoang trong 2 năm qua, trong đó có Xu Bi, bị ngập nước khi thủy triều lên trước khi bắt đầu xây dựng, các học giả pháp lý cho biết.
Một nguồn tin thạo vấn đề cho biết quyết tâm của chính quyền Mỹ là giữ vấn đề tập trung vào giới hạn 12 hải lý và tránh bất cứ cuộc tuần tra nhạy cảm nào nhằm thách thức chủ quyền của Trung Quốc. Chính điều đó đã trì hoãn việc tuần tra. Trong khi khẳng định quyền tự do hàng hải, Washington sẽ không có vị trí nào trong các yêu sách chủ quyền của các bên.
Rõ ràng, việc cố gắng tránh để Trung Quốc nổi giận hơn, Nhà Trắng đang bị mắc kẹt trong kế hoạch của chính mình.
Bảo Linh (theo Reuters)