Cậu bé Manhendra Ahirwar, 12 tuổi, đến từ Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ, bị một căn bệnh hiếm gặp khiến cổ và đầu cậu bị gục xuống 180 độ.
Cha mẹ cậu bé thừa nhận rằng họ muốn con trai mình thà chết còn hơn phải chịu đau khổ như bây giờ.
Xương sống yếu khiến Mahendra không thể đi đứng được mà chỉ ngồi một chỗ. Cậu bé có thể lết đi được nhưng khi ăn và đi vệ sinh vẫn cần giúp đỡ.
Cha mẹ Mahendra Ahirwar nói rằng họ thà thấy con trai chết đi còn hơn để cậu bé chịu khổ như bây giờ
Mẹ Mahendra, bà Sumitra Ahirwar cùng con trai. Bà nói rằng mình đang chứng kiến cảnh cuộc sống của con trai bị tàn phá
Cha cậu bé, ông Mukesh Ahirwar, 40 tuổi và mẹ, bà Sumitra Ahirwar, 35 tuổi, đều là những người lao động chân tay. Họ nói rằng mình đã tham khảo ý kiến của hơn 50 bac sĩ khắp Ấn Độ nhưng không ai có thể chẩn đoán tình trạng của cậu bé.
“Tôi không thể nhìn thằng bé đau khổ thêm nữa. Nhìn cuộc sống của nó đang bị hủy hoại”, bà Sumitra nói.
“Thằng bé không thể tự mình làm bất cứ điều gì. Nó chỉ ngồi được ở một góc phòng cả ngày. Nó không có cuộc sống”.
Bà ấy nói thêm: “Tôi có thể mang thằng bé đi khắp nơi như một đứa trẻ cho dù nó đã 12 tuổi rồi. Làm thế nào để tôi mang nó đi khi nó lớn hơn? Nếu bác sĩ không thể chữa trị cho con trai tôi thì tốt hơn hết thần linh hãy mang nó đi”.
Điều kinh hoàng là mọi người xung quanh đã đổ lỗi cho tình trạng của Mahendra là do tội lỗi trong quá khứ của người cha, ông Mukesh và tin rằng ông ấy là nguyên nhân gây ra tình trạng khuyết tật của con mình.
Bà Sumitra có 2 đứa con trai, 1 đứa 16 và 1 đứa 10 tuổi cùng 1 cô con gái 14 tuổi. Tất cả đều khỏe mạnh. Bà không đi khám khi mang thai Mahendra.
Mahendra chụp ảnh cùng mẹ (trái), chị gái Manisha (thứ hai từ trái qua) và 2 anh trai Surendra (thứ hai từ phải qua), Lalit (phải)
Ông Mukesh (mang con trai trong ảnh) đã vay mượn tiền từ bạn bè, họ hàng để tìm cách chữa trị cho Mahendra
Mukesh cho biết: “Những đứa con khác của chúng tôi tất cả đều được sinh ra bình thường, không gặp vấn đề gì vì thế chúng tôi không bao giờ nghĩ đến việc đi khám bác sĩ hay siêu âm khi có Mahendra và thằng bé được sinh tại nhà như các anh chị mình”.
Cặp vợ chồng chỉ nhận thấy đầu con trai mình bắt đầu treo ngược xuống khi cậu bé được 6 tháng.
“Lúc đầu, chúng tôi nghĩ rằng thằng bé chỉ bị ốm nhẹ và nó sẽ khỏe lại nhưng đến khi nó được 3 tuổi, nó vẫn không thể dựng đầu thẳng lên”, người cha giải thích.
Ông Mukesh, kiếm được khoảng 200 rupee/ngày ở các công trường xây dựng, đã phải vay mượn tiền của bạn bè, họ hàng để tìm cách chữa trị cho con trai.
Tuy nhiên, ông cho biết 2 năm trước, ông đã quyết định ngừng đưa Mahendra tới gặp bác sĩ. “Tôi đã đưa thằng bé tới tất cả những bệnh viện mà mình có thể chi trả”.
“Ngay cả bệnh viện hàng đầu của Ấn Độ, Viện Y học Ấn Độ tại New Delhi tôi cũng đã tới nhưng sau khi trải qua 2 tuần ở đó, các bác sĩ vẫn không thể nói cho chúng tôi biết con trai tôi có thể khỏi bệnh không”.
“Đau lòng, chúng tôi trở về nhà và quyết định động viên thằng bé, cố gắng dể thằng bé có một cuộc sống thoải mái nhất mà chúng tôi có thể”.
Mahendra chụp ảnh cùng cha Mukesh (trái) và mẹ Sumitra (ngồi) cùng anh trai Lalit (ở giữa), Surendra (thứ hai từ trái qua)
Bà Sumitra giờ đã mất hết hy vọng về việc trị khỏi bệnh cho con trai. “Nếu các bác sĩ không thể chữa trị cho con trai thì tốt hơn là để thần linh đưa thằng bé đi”
Ông Mukesh nói thêm: “Mọi người nói những thứ tồi tệ về thằng bé và họ cười nhạo nó. Điều đó thực sự khiến chúng tôi đau đớn. Chúng tôi không thể chịu đựng được thái độ và sự phân biệt đối xử của mọi người. Họ nói tôi đã phạm phải tội lỗi khủng khiếp và đây là lý do khiến con trai tôi phải chịu khổ. Điều đó thật khủng khiếp”.
Mahendra không đi học nên những người bạn duy nhất của cậu bé là anh chị em ruột và những người an hem họ của mình.
Tiến sĩ Shashidhar Tatavarthy, chuyên môn tai, mũi, họng tại Bệnh viện Artemis ở Delhi cho rằng bệnh của Mahendra là do rối loạn cơ bắp.
Ông nói: “Đây là một trong những căn bệnh hiếm gặp nhất. Tình trạng của cậu bé có thể là do một dị tật ở cột sống hoặc do rối loạn cơ bắp nhưng nó chỉ có thể được kết luận sau một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng”.
Mukesh vẫn hy vọng vào một phép màu. “Nếu các bác sĩ có thể điều trị cho trẻ sơ sinh bị khuyết tật nặng như 2 đầu phẫu thuật cứu sống chúng thì tại sao con trai tôi lại không?”
“Tôi vẫn hy vọng và ước mơ rất nhiều cho thằng bé. Tôi muốn nhìn thấy nó đến trường và chơi với những đứa trẻ khác. Tôi muốn nhìn nó sống một cuộc sống bình thường và tôi hy vọng mong ước của mình ngày nào đó sẽ thành hiện thực”.
Bảo Linh (tin tức Dailymail)