Những người chăn tuần lộc đã tìm thấy con gấu hang từ thời Kỷ Băng hà được bảo tồn nguyên vẹn. Lớp băng vĩnh cửu trên đảo Bolshoy Lyakhovsky, tây bắc nước Nga tan chảy khiến người ta tìm thấy con vật. Nó còn cả hàm răng, mũi nguyên vẹn.
Phân tích sơ bộ hài cốt cho thấy con gấu hang trưởng thành này sống cách đây khoảng 22.000-39.500 năm. Nhiệt độ khắc nghiệt của Nga tại khu vực phía bắc chính là nguyên nhân khiến mẫu vật này được bảo quản cực kỳ tốt.
Các nhà khoa học cũng đã tìm thấy hài cốt của một con gấu hang con ở lục địa Yakutia và lấy mẫu DNA để đưa về nghiên cứu.
Gấu hang (Ursus spelaeus) là loài động vật tiền sử hoặc phân loài sống ở khu vực Âu - Á vào giữa và cuối kỷ Pleistocen. Chúng đã tuyệt chủng khoảng 15.000 năm về trước. Các nhà hoa học tại ĐH Liên bang Đông - Bắc ở Yakutia, trung tâm hàng đầu nghiên cứu về voi ma mút lông cừu và các loài vật thời tiền sử khác đã ca ngợi phát hiện này là đột phá.
Trong tuyên bố của nhà trường, nhà nghiên cứu Lena Grigorieva nhấn mạnh "đây là phát hiện đầu tiên và duy nhất thuộc loại này, một xác gấu nguyên vẹn có cả mô mềm. Nó được bảo quản trọn vẹn, có tất cả các cơ quan nội tạng, bao gồm cả mũi".
"Phát hiện này có tầm quan trọng lớn đối với toàn thế giới". Hiện tại, các nhà khoa học cần tiến hành phân tích carbon phóng xạ để xác định tuổi chính xác của con gấu và chi tiế sẽ sớm được công bố. Đây là hòn đảo lớn nhất của quần đảo Lyakhovsky, một phần của quần đảo New Siberia, nằm giữa biển Laptev và biển Đông Siberia.
Những năm gần đây, các loài động vật tiền sử như voi ma mút, tê giác lông cừu, ngựa con Kỷ băng hà, chó con, sư tử hang đã được phát hiện sau khi các lớp băng vĩnh cửu tan chảy ở nhiều khu vực thuộc Siberia, nước Nga.