Trung Quốc đã phát triển và triển khai một máy bay tuần tra chống ngầm, cánh cố định tiên tiến ở vùng biển gần Nhật Bản và Hàn Quốc, truyền thông địa phương đưa tin.
[mecloud]hY2GK3ZonH[/mecloud]
Các bài báo cho biết máy bay chống ngầm Gaoxin-6 có 4 động cơ đã được chuyển giao cho Hải quân PLa vào cuối năn ngoái. Việc này diễn ra 4 năm sau khi mẫu thử đầu tiên của chiếc máy bay được công bố.
Truyền thông trong và ngoài Trung Quốc đã so sánh Gaoxin-6 với P-3C Orion của Lockheed, loại máy bay từ lâu đã được Washington và các đồng minh sử dụng để tuần tra vùng biển gần Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đang tranh cãi về điều này. Ví dụ, Li Jie, một chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh nói với tờ SCMP của Hong Kong rằng "vẫn còn có khoảng cách nhất định giữa Gaoxin-6 của Trung Quốc và P-3C của Mỹ, đặc biệt trong các chuyến bay và phạm vi trinh sát của nó".
Một bài báo đăng trên tờ China Daily của Trung Quốc nói rằng Gaoxin-6 thiết kế dựa trên máy bay vận tải tầm trung Y-8 của Trung Quốc nhưng "chiếc máy bay có thể đặc biệt so với những biến thể Y-8 khác ở chỗ radar tìm kiếm trên biển lớn được treo dưới buồng lái và chiếc sào dò tìm dị thường có tính chất từ trường trông giống như một cái đuôi kim loại".
Bài báo nói rằng chiếc máy bay do một phi hành đoàn gồm 10 người điều khiển và "có khả năng bay 6.000 km hoặc ở trên không trong hơn 8 giờ".
Đây là chiếc máy bay lớn đầu tiên mà Trung Quốc phát triển đặc biệt dành cho tác chiến chống ngầm. Nó giúp Bắc Kinh trở thành nước thứ 6, sau Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh và Pháp phát triển máy bay chống ngầm phức tạp. Chiến tranh chống ngầm từ lâu được xem như điểm yếu lớn của Hải quân Trung Quốc, khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á.
"Trước Gaoxin-6, Hải quân Trung Quốc chỉ có 1 máy bay đổ bộ tuần tra trên biển SH-5 khá lỗi thời và một vài trực thăng trên tàu cần để triển khai các nền tảng không quân trong hoạt động chống ngầm", Wang Ya'nan, phó tổng biên tập tạp chí Aerospace Knowledge nói với tờ China Daily.
Ông Wang nói thêm: "Hoàn cảnh đó hạn chế rất nhiều khả năng chiến đấu tầm xa của hải quân PLA bởi các tàu ngầm của hải quân nước ngoài có thể là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với các hạm đội của họ".
Ông Li, chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh nói với SCMP rằng hải quân Trung Quốc đã chọn triển khai máy bay Gaoxin-6 đầu tiên tới Hạm đội Bắc để đấu lại với tàu ngầm của Hàn Quốc và Nhật Bản. "Chuyên môn của Gaoxin-6 là trinh sát và tìm kiếm tàu ngầm. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có những tàu ngầm dưới nước tiên tiến nhất thế giới, tại Hoàng Hải và Hoa Đông. Đó là lý do tại sao hải quân Trung Quốc quyết định triển khai máy bay Gaoxin tới Hạm đội Bắc đầu tiên".
Hàn Quốc đã có được một hạm đội tàu ngầm dưới biển đáng gờm trong những năm gần đây, bao gồm cả những tàu ngầm do Đức sản xuất cũng như nhiều tàu thiết kế bản địa. Hạm đội này dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ chóng mặt trong vài năm tới.
Mặc khác, Nhật Bản từ lâu đã có một hạm đội tàu ngầm giỏi và, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng, Tokyo đã công bố kế hoạch mở rộng hạm đội này. Năm 2009, Nhật Bản cũng đã hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của mình bằng việc ra mắt tàu lớp Soryu.
Như Kyle Mizokami từng lý giải trên The National Interest:
"Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản nằm trong số những tàu ngầm tấn công phi hạt nhân tiên tiến nhất trên thế giới. Độ choán nước 4.100 tấn, con tàu có thể di chuyển với vận tốc 13 hải lý khi nổi và 20 hải lý khi chìm. 4 hệ thống động cơ đẩy độc lập Stirrling cho phép Soryu ở dưới nước lâu hơn so với các tàu ngầm điện - diesel".
Ông Mizokami cũng lưu ý rằng tàu ngầm sẽ đóng vai trò trung tâm để Nhật Bản thực hiện chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận đối phó với Trung Quốc nếu xung đột giữa 2 nước nổ ra.
"Hạm đội gồm 16 tàu ngầm của Nhật Bản, sắp tới sẽ tăng lên 22 chiếc, sẽ là hiệu quả nhất trong phòng vệ chủ động. Hạm đội tàu ngầm của JMSDF (Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản), bao gồm các tàu ngầm điện diesel lớp Oyashio và Soryu mới hơn, là một trong những lực lượng chuyên nghiệp và có công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Nó sẽ tạo ra sức mạnh của Nhật Bản trong cuộc chiến chống lại sự yếu kém của Trung Quốc trong chiến tranh chống ngầm (ASW)"
Chính vì thế mà việc tăng cường khả năng chống ngầm là điều cần thiết cho quân đội Trung Quốc.
Bảo Linh (Theo National Interest)