Đại diện Singapore tại LHQ hôm thứ tư đã phản bác ý kiến cho rằng các cuộc chiến toàn cầu nhằm chống ma túy bất hợp pháp cần "ít mang tính trừng phạt" hơn tại một cuộc họp quan trọng tại Liên Hiệp Quốc và lập luận rằng một "cách tiếp cận mềm mỏng" sẽ gây ra "cơn lũ ma túy" ập đến đảo quốc này.
Singapore nổi tiếng trong việc trừng phạt nghiêm khắc tội phạm ma túy với các hình phạt khắc nghiệt bao gồm cả tử hình. Ngược lại, các đại biểu châu Âu chống lại ý kiến về hình phạt "tử hình" với những vi phạm liên quan đến ma túy.
Ông Shanmugam tại phiên họp của LHQ. Ảnh: RT |
"Chúng tôi tin rằng ma túy sẽ phá hủy xã hội của chúng tôi", Bộ trưởng Nội Vụ và Pháp Luật Singapore K. Shanmugam nói. "Với 200 triệu khách du lịch nước ngoài của chúng tôi mỗi năm, và với việc mua sắm tại Singapore, một cách tiếp cận mềm mỏng có nghĩa là sẽ biến đất nước của chúng tôi thành nơi rửa tiền của tội phạm ma túy."
Shanmugam đã tham dự một phiên họp đặc biệt trong ba ngày với sự góp mặt của đại diện 193 quốc gia tại Đại hội đồng LHQ, phiên họp được kêu gọi bởi 3 nước Colombia, Guatemala và Mexico nhằm thảo luận về cuộc chiến toàn cầu mới nhằm chống lại ma túy. Các nước Mỹ Latinh nói rằng các chiến dịch chống ma túy hiện tại đã đã thất bại. Đây là lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc nghiêm túc xem xét về vấn đề này từ năm 1998.
Dự kiến sẽ không có quyết định quan trọng nào được đưa ra trong tuần này. Tuy nhiên, nhiều đại biểu hy vọng đây là những bước đi nhằm đưa thế giới tiến gần hơn đến một chiến lược chống ma túy mới mà nhấn mạnh đây là vì quyền con người và sức khỏe cộng đồng chứ không phải là sự đàn áp.
Các đại biểu khu vực Mỹ Latinh và châu Âu cho biết Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Iran và Nga là những nước phản đối mạnh mẽ nhất xu hướng hợp pháp hóa các chất kích thích bất hợp pháp như cần sa. Một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu cho biết có sự thu hẹp nhỏ về số quốc gia ủng hộ một cách tiếp cận cứng rắn hơn với ma túy.
Sau khi Shanmugam rời bục phát biểu của Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Sophie Lohde đề cập đến hình phạt "tử hình" đối với tội phạm ma túy và phàn nàn về LHQ rằng một tuyên bố được thông qua bởi hội đồng vào thứ hai đã không nêu rõ ràng về quan điểm kêu gọi chấm dứt án tử hình trong trường hợp này.
"Chính phủ của Đan Mạch tiếc nuối sâu sắc rằng kết quả của cuộc họp không giải quyết được việc bãi bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm ma tuý," bà nói. "Đan Mạch phản đối hình phạt tử hình trong mọi hoàn cảnh."
Những công kích của bà Lohde về hình phạt tử hình đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt bằng các tràng pháo tay được lặp lại bởi các đại biểu châu Âu khác.
Hôm thứ Hai , Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto nói tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc rằng nước ông sẽ sớm hợp pháp hóa cần sa cho mục đích y tế.
Trong khi đó, Shanmugam nhấn mạnh rằng cách tiếp cận cứng rắn của Singapore đã mang lại kết quả tích cực, và bác bỏ tuyên bố của các đại biểu Mỹ Latinh và châu Âu với các bằng chứng khoa học cho thấy sự vô ích của Chính sách ma túy khắc nghiệt.
"Singapore hầu như không có ma túy, và tình hình ma túy đang được kiểm soát", ông nói. " Không có nơi trú ẩn ma túy , không có khu vực mua bán, không có trung tâm sản xuất ma túy, không cần chương trình trao đổi kim tiêm."
Ông nói thêm rằng trong những năm 1990 Singapore đã bắt giữ hơn 6.000 người nghiện ma túy mỗi năm , con số này đã giảm xuống còn khoảng 3.000 năm nay. Khoảng 80 phần trăm các tù nhân của Singapore đang bị giam giữ là vì các tội liên quan đến ma tuý.
Quý Vũ (Reuters)