Tại đại hội đảng đầu tiên của Triều Tiên trong vòng 36 năm, lãnh đạo đất nước, Kim Jong-un đã cho thấy lý do tại sao mình cần vũ khí hạt nhân.
Khi mà các vị đại biểu Triều Tiên đang yên vị trong nghị trường tại thủ đô Bình Nhưỡng trong tuần này, một câu hỏi được đặt ra: Điều gì sẽ xảy ra tại Đại hội đảng lần thứ 7 - sự kiện chính trị lớn nhất của Triều Tiên trong vòng 36 năm qua?
Tất cả mọi sự thay đổi, tiến triển từ đại hội lần này có lẽ sẽ không được tiến lộ cho tới khi sự kiện kết thúc trong vài ngày nữa.
Ý nghĩa của sự kiện này (đại hội đảng lần thứ 7 kể từ năm 1949, khi Đảng Lao động Triều Tiên WPK được thành lập, và là lần đầu tiên được tổ chức kể từ tháng 10/1980) - đó là: Đây sẽ là cơ hội lớn để nhà lãnh đạo Kim Jong-un tổ chức một đợt tập hợp chính trị quan trọng nhất của đất nước. Các phần trong bài phát biểu trong phiên khai mạc đại hội hôm 6/5 cho thấy ông Kim ca ngợi "sự hoành tráng, phấn khởi" mà chương trình hạt nhân của nước này mang lại. Ông Kim cũng sẽ tìm cách củng cố vị trí của mình trong lịch sử bằng cách đưa ra các Chính sách và hệ tư tưởng. Những điều này sẽ xác định thời đại lãnh đạo và vai trò lên kế hoạch cho tương lai đất nước của Kim Jong-un.
Đối với bên ngoài, đây sẽ là cơ hội tốt nhất để Kim Jong-un lên kế hoạch lãnh đạo đất nước thoát khỏi đói nghèo và cô lập ngoại giao sau hàng loạt các hành động khiêu khích hạt nhân với mức độ đe dọa ngày càng tăng.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Getty |
Kim Jong-un - thế hệ thứ 3 của gia đình đang lãnh đạo Triều Tiên - sẽ học tập cách của ông nội Kim Il-sung và cha Kim Jong-il để hợp pháp hóa sự lãnh đạo của mình. Đại hội đảng về cơ bản vẫn giống những đại hội trước đây nhưng vẫn có yếu tố hiện đại.
Truyền thông và sách sử nước ngoài có rất ít thông tin về những gì đã diễn ra tại Đại hội Đảng lần thứ 6 - do Chủ tịch khi ấy là Kim Il-sung triệu tập - mặc dù các nhà sử học coi đó là sự kiện ông chính thức thừa nhận Kim Jong-un là nhà lãnh đạo tương lai của Triều Tiên. Ngược lại, tiểu sử chính thức của Kim Jong-il (có tựa đề rất đơn giản là "Kim Jong-il: Tiểu sử"), cung cấp những báo cáo chi tiết về những hoạt động được cho là đằng sau hậu trường của Kim Jong-il trong những ngày trước thềm đại hội. Theo cuốn sách gồm 3 tập này, Kim Jong-il đã đề xuất viết lại các điều lệ đảng để tôn thờ triết lý "Juche" của cha mình như đặc điểm của dân tộc. Đây là một tư tưởng kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa xã hội của Triều Tiên.
Đại hội năm 1980 cũng là một màn trình diễn khổng lồ. Nhìn vào cách mà Triều Tiên tổ chức đại hội đảng khi ấy, chúng ta có thể hình dung được đại lễ năm nay ra sao. Theo tiểu sử của Kim Jong-il, ông đã kêu gọi buổi lễ phải hoành tráng như sau:
- 6.000 đại biểu dự đại hội (mặc dù con số thực tế chỉ khoảng 3.000)
- 1 triệu công dân tham gia cuộc diễu hành tại thủ đô Bình Nhưỡng (đây được xem là dịp để người dân bày tỏ lòng trung thành với chủ tịch)
- 50.000 VĐV tham gia các trò chơi đại chúng
- 15.000 nghệ sĩ tham gia biểu diễn nghệ thuật vào buổi tối
- 10.000 quả pháo hoa được bắn trong khoảng 50 phút
- 300 thuyền hoa bơi dọc sông Taedong chảy qua thủ đô Bình Nhưỡng
Trong những tháng sắp diễn ra đại hội, Kim Jong-il cũng ra lệnh thực hiện "chiến dịch tốc độ" kêu gọi Triều Tiên thực hiện toàn bộ chỉ tiêu công việc của một năm trong vòng 100 ngày, tập trung đặc biệt vào việc biến Bình Nhưỡng thành "câu chuyện cổ tích xã hội chủ nghĩa". Chiến dịch thứ hai kêu gọi kêu giọ sản xuất hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng - giày, đồ lót, đồng hồ, mỹ phẩm và thậm chí cả tủ lạnh - để phân phát cho người dân trong đại hội đảng.
Giống như cha và ông nội đã làm, Kim Jong-un đã ra lệnh thực hiện "chiến dịch tốc độ" khiến người dân Triều Tiên làm việc quần quật 70 ngày đêm để làm việc vượt chỉ tiêu công việc năm ngoái. Cũng như cha minh, ông đã kiểm tra các nhà máy, công trường xây dựng. Tuy nhiên, ông còn giám sát cả một vụ bắn thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hồi tháng 4. Đây là thay đổi đáng kể của Kim Jong-un so với cha.
Với người Mỹ, Kim Jong-un có thể sẽ thúc đẩy chi tiết hơn tầm nhìn của mình về "pyongjin" - một con đường nhưng có 2 hướng, đó là theo đuổi vũ khí hạt nhân đi kèm phát triển kinh tế. Trên thực tế, Kim Jong-un đã mang những quả bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo vào đại hội lần này. Nếu không có 20 năm chuẩn bị của cha mình, nhà lãnh đạo trẻ cần một cách nhanh hơn, mạnh hơn để chứng tỏ can đảm và tầm nhìn để lãnh đạo (và bảo vệ) đất nước của mình trong những thập kỷ tới.
Sau khi tuyên bố tiến hành Đại hội Đảng lần thứ 7, Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, tiến hành một vụ thử hạt nhân và phóng một tên lửa tầm xa. Một tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có khả năng đe dọa Mỹ - lá bài chính trị của Kim Jong-un, cùng với những tháng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân khiêu khích, trái phép là một phần trong kế hoạch được sắp đặt tỉ mỉ để đảm bảo cho nhà lãnh đạo Triều Tiên đến với đại hội đảng một cách vinh quang. Thật vậy, ông Kim đã mở đầu đại hội bằng danh sách những thành công tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Triều Tiên trải qua hơn 3 thập kỷ mà không có một kỳ đại hội nào. Đây là vấn đề tốn kém với một đất nước rất nghèo - chưa kể đến những tổn thất về người trong các chiến dịch tốc độ và các trò chơi đại chúng và sự cô lập ngoại giao sâu sắc sau mỗi lần thử hạt nhân. Những quả bom, tên lửa, các cuộc diễu hành, biểu diễn, xây dựng: Chúng đều là một phần của việc đầu tư mà chế độ đang thực hiện và truyền cảm hứng cho sự hiệp nhất ở quê nhà, đồng thời đảm bảo sự trung thành của người dân với đất chính quyền.
Bảo Linh (Foreign Policy)