Giới tinh hoa Triều Tiên đang tập trung tại thủ đô Bình Nhưỡng trước thềm hội nghị chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ của đất nước.
Đại hội đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7 và được tổ chức lần đầu trong vòng 36 năm, diễn ra sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng 1/2016 và bắn tên lửa tầm xa vào tháng 2/2016,
Các chuyên gia nước ngoài nói rằng lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ sử dụng đại hội lần này (khai mạc trong ngày hôm nay, 6/5) để thúc đẩy việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân trước sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ, Liên hợp quốc và các nước láng giềng, trong đó có cả đồng minh Trung Quốc.
Trọng tâm khác của đại hội lần này: phát triển nền kinh tế yếu kém, bị Liên hợp quốc trừng phạt do chương trình hạt nhân. Ông Kim cũng dự kiến sẽ siết chặt lòng trung thành của chính phủ mà ông được thừa hưởng sau cái chết của cha mình vào cuối năm 2011. Có lẽ ông sẽ nắm giữ các vị trí chủ trốt trong bộ máy chính quyền Triều Tiên.
Như thường lệ, Triều Tiên sẽ tiếp tục giữ bí mật chi tiết của đại hội lần này. Nhưng dưới đây là một vài điều biết được về sự kiện chính trị lớn nhất của Triều Tiên:
Đại hội đảng Lao động Triều Tiên là gì?
Hội đồng được đưa ra quyết định cấp cao nhất của đảng sẽ định đoạt các Chính sách nhà nước chủ chốt, xem xét lại các kế hoạch trước đây, cải tổ bộ máy quan chức cấp cao và sửa đổi các quy định của đảng.
Tất cả 6 kỳ đại hội trước đều diễn ra khi Kim Il-sung cầm quyền. Ông là người ông quá cố của Kim Jong-un, người sáng lập ra nhà nước Triều Tiên và qua đời năm 1994.
Đại hội gần đây nhất được tổ chức năm 1980, diễn ra trong 5 ngày, với sự góp mặt của các đoàn đại biểu đến từ 118 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Liên Xô, Zimbabwe, Guinea và Romania. Đại hội lần thứ năm diễn ra vào năm 1970, kéo dài 12 ngày.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc hồi tuần trước cho biết Triều Tiên đã không mời bất kỳ phái đoàn chính phủ nước ngoài nào tới dự đại hội năm nay. Tuy nhiên, sẽ có hàng chục nhà báo phương tới để đưa tin về sự kiện lớn này.
Kim Jong-un tại lễ khai mạc Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7. Ảnh: KCNA |
Tại sao có khoảng trống 36 năm?
Đảng Lao động Triều Tiên được cho là tổ chức đại hội 5 năm một lần.
Nhưng sau cuộc họp năm 1980, ông Kim Il-sung, theo báo cáo, đã ra lệnh kỳ đại hội tiếp theo chỉ diễn ra sau khi chính phủ cải thiện được kế sinh nhai cho người dân và có khả năng cung cáp cho người dân cơm, canh thịt bò mỗi bữa ăn.
Thay vào đó, một nạn đói khủng khiếp vào những năm 1990 đã giết chết hàng trăm ngàn người. Kể từ đó, Triều tiên tiếp tục phải đấu tranh với đói nghèo lan rộng, suy dinh dưỡng và một nền kinh tế quản lý yếu kém.
Người kế nhiệm Kim Il-sung, Kim Jong-il (cha Kim Jong-un), lãnh đạo đất nước trong 17 năm nhưng chưa bao giờ tổ chức đại hội đảng. Một số nhà phân tích nói rằng lý do thực sự cho khoảng trống này đó là chính sách "ưu tiên quân đội" được ấp ủ của Kim Jong-il đã làm khô héo chính quyền.
Tại sao giờ lại tổ chức Đại hội đảng?
Kim Jong-un dường như đang noi theo cách cai trị của ông nội mình. Ông đã bắt chước ông nội từ kiểu tóc, cử chỉ, thiên hướng phát biểu trước công chúng thường xuyên và phong cách quản lý kiểu đảng định hướng.
Triều Tiên có thể sẽ quay trở lại phong cách có từ thời Kim Il-sung bởi Triều Tiên đã cải thiện được nền kinh tế hơn so với thời Kim Jong-il nắm quyền.
Trong những năm gần đây, Triều Tiên chủ yếu lẩn tránh thiên tai địch họa và nạn đói lan rộng trong nhiều năm. Tình hình kinh tế của đất nước cũng được cho là đã cải thiện chút ít, một phần là do sự gia tăng của các khu chợ đường phố trái phép, nơi mà chủ nghĩa tư bản được dung nạp với quy mô nhỏ. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ước tính nền kinh tế Triều Tiên đã tăng khoảng 1% mỗi năm từ 2011-2014.
Tất cả những điều này có thể khiến ông Kim Jong-un khởi động lại các kỳ đại hội đảng, một phần là để cho thấy giới thấy rằng ông đang cầm quyền một đất nước ngày càng ổn định hơn.
Chúng ta có thể trông chờ thấy gì?
Cả Kim Jong-il và Kim Jong-un đều ra mắt quốc tế bằng cách giữ những vai trò hàng đầu trong các sự kiện lớn của đảng. Ông Kim cha tham dự đại hội đảng năm 1980 và ông Kim con tham dự một hội nghị ở cấp thấp hơn vào năm 2010. Những điều này xác nhận họ đã được định sẵn trở thành người điều hành đất nước.
Không có gì lớn được mong đợi từ đại hội lần này.
Ông Kim Jong-un đã nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt, trong đó có Bí thư thứ nhất Đảng Lao động, chỉ huy tối cao của đội quân có 1,2 triệu binh sĩ của Triều Tiên, là xương sống của triều đại gia đình trị.
Một số nhà phân tích nói rằng Kim Jong-un có thể vẫn chưa thành lập được quyền lực tuyệt đối giống như cha ông đã làm nhưng có một chút nghi ngờ rằng hàng loạt vụ hành quyết và thanh trừng các nhân vật cấp cao (trong đó có vụ tử hình ông chú quyền lực Jang Song Thaek vào năm 2013) đã loại bỏ một vài người dám thách thức ông.
Truyền thông Hàn Quốc dự đoán rằng Kim có thể sẽ được thăng chức Tổng bí thư đảng, vị trí đã được để lại cho cha ông "mãi mãi" kể từ sau khi ông qua đời năm 2011. Nhưng một số nhà phân tích nói rằng có thêm tước hiệu cũng chẳng mang lại cho ông Kim ý nghĩa nhiều.
Thay vào đó, Kim Jong-un có thể sẽ thay thế một số người bảo vệ đảng đã già bằng những tinh anh trẻ hơn trung thành với ông. Nhiều người trong số này ít được người ngoài biết đến. Tuy nhiên, có lẽ sẽ có ít xáo trộn nhân sự cấp cao bởi ông Kim đã làm được điều này.
Tất cả về Kim Jong-un
Hãy sẵn sàng cho những lời khen ngợi được phủ kín dành cho Kim Jong-un và những nỗ lực của ông nhằm tăng cường chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng nói chương trình này cần để đối phó với những mối đe dọa quân sự từ Mỹ.
Kim Jong-un đã đưa ra mục tiêu của mình là tăng cường khả năng hạt nhân trong khi vẫn cải thiện sinh nhai cho người dân. Ông có thể chính thức đưa chính sách này vào điều lệ đảng. Điều này sẽ báo hiệu thứ mà hầu hết các nhà phân tích đều tin tưởng: Kim Jong-un không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Giới chức Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đã hoàn thành việc chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và có thể diễn ra bất cứ ngày nào.
Đại hội cũng sẽ công bố những chính sách lớn nhằm phục hồi nền kinh tế. Các nhà phê bình đặt câu hỏi những kế hoạch này có thể đạt được như thế nào khi mà Triều Tiên đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Liên hợp quốc trong 20 năm. Các lệnh trừng phạt được áp đặt sau vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đầu năm nay.
Những nhân vật chủ chốt
Kim Jong-nam, 88 tuổi, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Bộ chính trị Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên nhưng có thể phải về vườn do tuổi cao.
Choe Ryong Hae, người từng là thành viên Đoàn chủ tịch Bộ chính trị, có thể trở lại vị trí này. Cơ quan tình báo Hàn Quốc năm ngoái cho biết ông Choe đã bị trục xuất tới một nông trại để cải tạo trong một thời gian ngắn. Choe từng được xem là nhân vật quyền lực số 2 Triều Tiên sau khi Jang bị hành quyết.
Kim Yo Jong, em gái Kim Jong-un, hiện là một phó giám đốc bộ phận của Ủy ban Trung ương đảng, có khả năng sẽ được trao cho nhiệm vụ cao hơn để thúc đẩy cô thành nhân vật quyền lực thứ 2 Triều Tiên. Cô thường xuất hiện trong các sự kiện công cộng cùng anh trai, đứng giữa các quan chức nam giới già.
Kim Won Hong, Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia, là một trong số ít các quan chức hàng đầu còn sống sót sau nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu đã tiêu diệt những người tâm phúc của ông Kim cha. Ông này có thể có được chức vụ cao hơn sau đại hội đảng lần này.
Kim Ki Nam, 86 tuổi, người đứng đầu bộ phận tuyên truyền của Triều Tiên, có thể sẽ mất chức sau đợt này do tuổi tác đã cao.
Bảo Linh (Washington Post)