20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng, 76 người bị thương trong cuộc đụng độ dữ dội với binh lính Trung Quốc hồi tuần trước. Đây là cuộc đối đầu tồi tệ nhất giữa quân đội 2 nước trong nhiều thập kỷ. Trong cuộc xung đột này, binh sĩ cả 2 bên không sử dụng bất cứ loại súng hay chất nổ nào. Thay vào đó, họ chiến đấu tay không và sử dụng gậy, đá. Sự hạn chế này dựa trên một thỏa thuận đạt được vào năm 1996.
Thỏa thuận năm 1996 là gì?
Trung Quốc và Ấn Độ đã ký vào "Thỏa thuận giữa Cộng hòa Ấn Độ và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Các biện pháp Xây dựng Lòng tin trong lĩnh vực quân sự tại Đường kiểm soát Thực tế (LAC) ở khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ" vào tháng 11/1996. Theo thỏa thuận, quân đội 2 nước bị cấm sử dụng súng hay chất nổ trong phạm vi 2km tính từ LAC trừ khi huấn luyện sử dụng để "ngăn chặn các hoạt động quân sự nguy hiểm tại LAC".
Hai bên cũng đã đồng ý giảm hoặc hạn chế lực lượng quân sự tương ứng dọc LAC. Họ đồng ý hạn chế các loại vũ khí chính gồm xe tăng chiến đấu, xe chiến đấu bộ binh, pháo phản lực cỡ nòng 75mm hoặc lớn hơn, súng cối cỡ nòng 120mm hoặc lớn hơn, các tên lửa không đối không, không đối đất. Các máy bay quân sự cũng bị cấm bay trong phạm vi 10km tính từ LAC mà không có thông báo.
Thỏa thuận có hiệu quả như thế nào?
Lần cuối cùng tranh chấp biên giới Trung - Ấn gây thiệt mạng là vào năm 1975 khi các đội tuần tra đấu súng và 4 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trong những thập kỷ sau đó, có những cuộc đụng độ dọc LAC gần như vào mỗi mùa xuân khi tuyết tan ở khu vực này. Một số vụ việc có leo thang nhưng không có báo cáo thương vong.
Vào năm 2017, quân đội 2 bên đã có cuộc đối đầu dài nhất tại Doklam nhưng không có cuộc đụng độ nào xảy ra suốt 73 ngày.
Tại sao cuộc chiến mới nhất gây chết người?
Vụ việc tuần trước gây chấn động với con số thương vong lớn. Một đại tá và 2 binh sĩ Ấn Độ đã chết tại chỗ, hơn 90 người khác bị thương và 17 người trong số này đã chết qua đêm. Ở độ cao 4.300m, những người bị thương nặng thiếu oxy và gặp phải nhiệt độ thấp, việc di chuyển khó khăn trên sườn núi làm chậm nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ.
Có những báo cáo chưa được xác minh nói rằng lính Trung Quốc đã sử dụng những cây gậy có đinh và một số binh sĩ Ấn Độ bị ngã xuống vực khi giao chiến. Truyền thông Ấn Độ nói phía Trung Quốc có hơn 40 người chết nhưng bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận thông tin này.
Tuy nhiên, số ca tử vong đã chứng minh mức độ căng thẳng. Nếu lệnh cấm dùng súng bị gỡ bỏ, con số thương vong có thể còn lớn hơn nhiều. Trogn cuộc chiến biên giới năm 1962 giữa 2 nước, hàng trăm lính Trung Quốc và hàng nghìn lính Ấn Độ đã tử vong.
Truyền thông Ấn Độ cho biết trong cuộc gặp giữa quân đội 2 nước hôm 22/6, chỉ huy Ấn Độ, Trung tướng Harinder Singh nói với người đồng cấp Trung Quốc, Thiếu tướng Quân khu Nam Tân Cương Liu Lin rằng ông sẽ xem xét để đưa ra hành động thích hợp nếu cần. Điều này ám chỉ việc Ấn Độ có thể từ bỏ thỏa thuận 1996.
Nếu thỏa thuận bị hủy bỏ, các cuộc đụng độ và bế tắc trong tương lai có thể dễ dàng leo thang thành những cuộc đối đầu quân sự. Trong những tuần gần đây, cả 2 nước đã huy động lượng tiếp viện đáng kể.