Liên quan đến đến cuộc đối đầu Trung - Ấn, Ấn Độ vừa bác bỏ thông tin ra lệnh sơ tán một số làng gần ngã ba biên giới Sikkim- Bhutan - Tây Tạng.
Tình hình khu vực tranh chấp ở biên giới Trung - Ấn căng như cung đã giương tên. Ảnh: RT |
Ngày 11/8, trang ZeeNews của Ấn Độ đưa tin mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục tăng cường quân sự cho các vị trí của mình sau khi xảy ra tình trạng đối đầu ở khu vực Doklam, Lục quân Ấn Độ đã bác bỏ việc ra lệnh sơ tán một số làng gần ngã ba biên giới Sikkim-Bhutan - Tây Tạng.
Nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết có "một số tăng cường" trong hoạt động di chuyển thêm quân và xe tăng cũng như pháo binh và các đơn vị phòng không ở Tây Tạng của Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA). Tuy nhiên, các nguồn tin này khẳng định cho đến nay, chưa có "sự huy động lớn nào" ở phía đường Ranh giới kiểm soát thực tế.
Trước đó, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 10/8 cho rằng quân lính Ấn Độ đã ra lệnh sơ tán người dân tại làng Nathang (bang Sikkim), gần khu vực cao nguyên Doklam/Động Lãng do Bhutan và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và là trung tâm căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh trong khoảng 2 tháng qua.
Thông tin của Nhân dân Nhật báo được đăng kèm một bức ảnh với chú thích rằng quân lính Ấn Độ và 2 xe quân sự đã vượt qua “đường biên giới được 2 nước thừa nhận”.
Trong khi đó, tờ The New Indian Express của Ấn Độ cũng đưa tin rằng hơn 100 người dân tại làng Nathang đã được yêu cầu rời bỏ nhà cửa tìm nơi an toàn nhằm đề phòng tình hình tại Doklam leo thang thành một cuộc chiến tranh ngắn ngày.
The Indian Express dẫn nguồn tin giấu tên tiết lộ, Giải phóng quân Trung Quốc PLA đã tăng cường gần 800 binh sĩ và dựng khoảng 80 lều trại tại địa điểm cách cao nguyên Doklam 1km. Nguồn tin này cũng cho biết, hiện có khoảng 300 binh lính PLA hiện diện tại khu vực xung đột, đối đầu với 350 binh sĩ New Delhi đang ở trong 30 lều trại.
Được biết, căng thăng nổ ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Doklam kéo dài suốt 2 tháng qua. Vào hồi tháng 6, quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở cao nguyên Doklam để xây dựng các công trình giao thông. Trong khi đó, Ấn Độ và Bhutan tuyên bố đây là lãnh thổ của Thimphu và New Delhi cho rằng con đường mà Bắc Kinh xây dựng sẽ uy hiếp an ninh Ấn Độ.
Đức Hòa (tổng hợp)