"Ngựa thồ" IL-76, so với các bậc đàn anh của mình, đã được hoàn thiện tất cả những tính năng chủ yếu: thông tin liên lạc, thiết bị định vị, điều khiển, vận tải-đổ bộ và vũ khí.
IL-76 không có đối thủ?
Chiếc máy bay vận tải quân sự IL-76 (theo định danh của NATO: Candid), kể từ khi được đưa vào khai thác và cho đến ngày hôm nay, vẫn là chiếc máy bay vận tải hạng nặng chủ lực của Không quân Nga.
Nó là chiếc máy bay vận tải quân sự đầu tiên trong lịch sử Liên Xô có sử dụng động cơ phản lực cánh quạt và ngay từ đầu nó đã có khả năng chuyên chở được những lô hàng có trọng lượng 28-60 tấn với tầm bay 3.600-4.200km và tốc độ trung bình khoảng 770-800km/h.
Trong suốt quá trình vài chục năm khai thác, đã có hơn 950 chiếc với các loại phiên bản quân sự, dân sự và chuyên dụng khác nhau được sản xuất.
IL-76 được coi như chiếc máy bay vận tải thay thế cho những máy bay An-12 và An-8, nó xác lập nền móng cho việc sử dụng không quân phản lực để triển khai các nhiệm vụ vận tải và đổ bộ tầm xa.
Công tác chế tạo chiếc máy bay này được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Phó tổng công trình sư Hendrikh Novozilov (Ngày 28/7/1970 ông được bổ nhiệm làm kiến trúc sư trưởng Phòng Thiết kế của Nhà máy chế tạo máy "Strela" ở Moscow – nay là Tổ hợp Hàng không mang tên Ilyushin).
Nguyên mẫu IL-76 thử nghiệm thứ nhất xuất hiện vào đầu năm 1971. Nó được bay thử tại sân bay trung tâm của Moscow (Nga) mang tên Khodynka, nằm cách điện Kremlin vẻn vẹn 6km. Chuyến bay đầu tiên dự kiến được thực hiện từ chính nơi mà bị nhiều quan chức phản đối vì lý do an ninh của khu vực thủ đô.
Tuy nhiên, giới quân sự, trước tiên là tư lệnh Lực lượng lính dù, Anh hùng Liên Xô, tướng Vasily Margelov, người chịu trách nhiệm trực tiếp giám sát công tác nghiên cứu chế tạo chiếc máy bay mới này đã thuyết phục tất cả mọi người rằng chuyến bay an toàn bởi vì cỗ máy này hoàn toàn ổn định.
Vào tháng 5 cùng năm đó, IL-76 đã trình diễn cho ban lãnh đạo Liên Xô tại sân bay Vnukovo (ngoại ô thủ đô Moscow), rồi sau đó được mang ra trình làng tại Triển lãm hàng không-vũ trụ quốc tế ở Paris (Pháp), nơi nó gây ấn tượng sâu sắc.
Chiếc máy bay IL-76 sản xuất hàng loại đầu tiên – nó cũng là nguyên mẫu thứ ba – cất cánh vào ngày 5/5/1973 tại Uzbekistan từ sân bay của tổ hợp chế tạo hàng không mang tên Chkalov, nơi mà dây chuyền sản xuất đã được triển khai.
Chiếc máy bay IL-76 đầu tiên được bàn giao cho Trung đoàn không quân vận tải quân sự 339 đóng tại thành phố Vitebsk (CH Belarus). Ở đây, tại căn cứ của trung đoàn, đã diễn ra các hoạt động thử nghiệm chiến đấu đầu tiên đối với IL-76.
Máy bay vận tải quân sự IL-76 của một đơn vị Không quân Nga.
Phiên bản IL-76 đầu tiên có trọng lượng cất cánh tương đương 170 tấn, tải trọng 28 tấn và tầm bay với tải trọng tối đa là 4.200km. Tuy nhiên, từng bước trong quá trình cải tiến, trọng lượng cất cánh của IL-76 tăng lên tới 190 tấn, còn tải trọng – tối đa 60 tấn.
Trong khoang chở hàng của chiếc máy bay có thể bố trí 145 hoặc 225 chiến sĩ (phiên bản M, MD hai tầng) hoặc 126 lính dù (trong phiên bản đầu tiên chỉ là 115 lính dù). IL-76 có thể chở 3 xe chiến đấu bộ binh BMD-1.
So với các máy bay có động cơ phản lực cánh quạt, phạm vi tốc độ của IL-76 đã được mở rộng – từ 260 cho đến 825km/h, cho phép nó rút ngắn được thời gian triển khai các nhiệm vụ chiến đấu, tăng cơ hội vượt qua hệ thống phòng không của đối phương, cũng như cải thiện các điều kiện đổ bộ người và khí tài chiến đấu.
IL-76, so với các bậc đàn anh của mình, đã được hoàn thiện tất cả những tính năng chủ yếu: hệ thống thông tin liên lạc, thiết bị định vị, điều khiển, vận tải-đổ bộ và vũ khí.
Khi thiết kế IL-76, một trong những vấn đề khó khăn đó là xác định kích thước tối ưu của thân máy bay, các cấu hình của nó, cũng như vị trí đặt khoang vận chuyển đáp ứng được yêu cầu vận hành máy bay với hiệu quả tối ưu nhất.
Kích thước khoang vận chuyển là thách thức lớn đối với các kỹ sư chế tạo chiếc máy bay này bởi vì tính đa dạng cao của các hàng hóa và khí tài chuyên chở.
Chiều dài khoang vận chuyển 20m (lọt lòng) đã được xác định trên cơ sở các điều kiện bố trí bên trong đó 6 container tiêu chuẩn kích thước 2,44x2,44x2,91m (hoặc 3 conteiner 2,44x2,44x6,06m) và các loại khí tài với phần đầu của khoang có bố trí ròng rọc, khu vực hoạt động của các thiết bị đổ bộ từ trên không và lối đi bên hông với chiều rộng vừa đủ.
Tổng chiều dài phủ bì của khoang vận chuyển là 24,5m. Không gian bên dưới sàn khoang vận chuyển được sử dụng để làm các khoang vận tải phụ trợ cho nhiều dụng cụ khác nhau.
Vấn đề cũng không kém phần quan trọng đó là phần đuôi của máy bay. Nó được thiết kế theo góc nghiêng của cửa khoang vận chuyển để có thể hạ dù các lô hàng cồng kềnh hạng nặng cũng như khí tài quân sự.
Sau khi nghiên cứu các phương án gia công của nhiều máy bay vận tải nước ngoài và Liên Xô, các kỹ sư đã lựa chọn cấu hình này cho phần đuôi của máy bay mà có thể đảm bảo hoạt động xếp hàng lên một cách nhanh chóng từ phần đuôi cũng như xuống hàng hóa một cách thoải mái bằng dù.
Để đạt được tiêu chí này, trong thiết kế của IL-76 người ta đã phải chú trọng tới việc tăng cường độ cứng của phần đuôi máy bay.
Ngoài ra, trên IL-76 còn ứng dụng một loạt các Công nghệ mới giúp nó chiếm được ưu thế trước những máy bay cùng chủng loại. Lấy ví dụ, phần mũi máy bay, nơi đặt buồng lái, được chia thành tầng trên dành cho 2 phi công, kỹ sư và điện đàm viên, tầng dưới dành cho hoa tiêu với các thiết bị định vị-bay.
Phía sau buồng lái là khoang kỹ thuật với những thiết bị vận tải-đổ bộ và chỗ nghỉ ngơi của phi hành đoàn.
Ưu thế lớn của IL-76 đó là buồng lái và khoang chứa hàng được bịt rất kín. Nhờ đó mà khi bay ở độ cao 6.700m nó vẫn giữ được áp xuất không khí bình thường, còn ở độ cao 11.000m, áp suất trong các khoang tương đương với áp suất ở độ cao 2.400m.
Một đặc điểm quan trọng khác của IL-76 đó là bộ bánh và lốp máy bay được trang bị hệ thống phanh hiệu quả cao. Các lốp của càng trước có thể quay 50 độ để giúp cho chiếc máy bay có thể quay được trên đường băng rộng 40m. Hệ thống đa bánh giúp cho IL-76 có thể cất hạ cánh đa dạng ở loại sân bay bằng đất nện hơn là máy bay An-12.
Ban đầu, IL-76 được trang bị 4 động cơ D-30KP giúp cho nó có thể đạt được lực đẩy lớn. Điều quan trọng cho quá trình bảo dưỡng kỹ thuật đó là động cơ dưới cánh được bố trí để chúng có thể dễ thay thế. Liên quan tới hệ thống nhiên liệu thì ban đầu trên IL-76 hệ thống này ngay từ đầu đã vô cùng đơn giản và có độ ổn định cao.
Nhiên liệu được bố trí trong các bình chứa trên cánh và được chia đều theo 4 nhóm trên cơ sở số lượng động cơ. Trong mỗi nhóm bình chứa có một khoang tiêu hao mà nhiên liêu từ đó tự động, mà không cần mở thêm bình chưa phụ trong quá trình đốt nhiên liệu, nạp cho động cơ.
Hệ thống điều khiển cũng sở hữu hàng loạt các đặc tính vào thời điểm chế tạo chiếc máy bay giúp cho công tác điều khiển được an toàn trong trường hợp tất cả các động cơ không hoạt động khi hạ cánh, tăng cường độ an toàn cho chuyến bay.
Thiết bị vận tải-đổ bộ của IL-76 cũng là một hệ thống độc đáo. Nó không chỉ mở rộng danh sách các loại hàng hóa có thể vận chuyển, bao gồm các khí tài có chiều dài và kích thước lớn, các container tiêu chuẩn của bộ binh và hải quân theo mẫu quốc tế, mà còn đảm báo quá trình chất-hạ hàng nhanh chóng không cần sử dụng các thiết bị chuyên dụng trên mặt đất.
Điều đáng nói là tất cả những nhiệm vụ này đều có thể được giải quyết hiệu quả khi vận hành chiếc máy bay ở các sân bay trung tâm cũng như tại những sân bay xa xôi có hệ thống thiết bị sơ sài.
Một thiết bị đặc biệt cũng được chế tạo để thực hiện nhiệm vụ đổ bộ. Nó giúp giảm thiểu đáng kể thời gian chuyển từ chờ sang trạng thái hoạt động. Nó gồm các hàng ghế ngồi bố trí ở hai bên và giữa, các dây cáp mở dù bắt buộc, các giải phân chia và ngắt dòng người nhảy dù và miếng bảo vệ bên hông che chắn các lính dù trong quá trình đổ bộ.
Thiết bị này giúp loại bỏ được những rủi ro không đáng có trong quá trình nhảy dù và lính dù có thể rời máy bay một cách an toàn.
Đến giữa thập niên 80, IL-76 trở thành chiếc máy bay chủ lực của lực lượng không quân vận tải Liên Xô (chiếm gần 50% toàn bộ các loại máy bay). Bài thi quan trọng dành cho IL-76 đó là cuộc chiến tranh tại Afganistan.
Bắt đầu từ năm 1985, khối lượng vận tải chủ yếu tới quốc gia này do các máy bay IL-76 đảm nhận (89% tổng số lượng binh lính và 74% tổng số lượng hàng hóa). Tổng cộng trong những năm diễn ra chiến tranh, lực lượng không quân vận tải đã thực hiện hơn 26.900 chuyến bay tới Afganistan, trong đó 14.700 chuyến do IL-76.
Ngoài ra, IL-76 đã mở ra những cơ hội mới vận chuyển các loại hàng hóa tới những nơi hẻo lánh, ví dụ như tới các trạm nghiên cứu khoa học trên Bắc Băng Dương từ những năm 1982.
Trong quá trình thực hiện những chuyến vận tải này, các chuyên gia của Phòng Thiết kế Ilyushin đã phát kiến ra một phương pháp thả hàng trên hệ thống dù-vận chuyển có sử dụng trọng lực (thả hàng trong cơ chế lựa chọn độ cao) mà hiện nay thường xuyên được ứng dụng khi triển khai các nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa trong những điều kiện khắc nghiệt.
Máy bay vận tải quân sự IL-76 của Không quân Ukraine được hộ tống bởi 2 tiêm kích Su-27.
Các kỷ lục thế giới được thiết lập trên IL-76
- Ngày 4/4/1975, các lính dù Liên Xô nhảy từ máy bay đang ở độ cao 15.386m. Cơ trưởng của của phi hành đoàn là Thiếu tướng Dedukh.
- Tháng 7/1975, trên chiếc máy bay IL-76 sản xuất hàng loạt đầu tiên, phi hành đoàn dưới sự chỉ huy của phi công thử nghiệm, Anh hùng Liên Xô Bernikov với trọng lượng hàng hóa trên boong là 70.121kg, đã đạt được độ cao 11.875m.
Cùng ngày, phi hành đoàn dưới sự chỉ huy của phi công thử nghiệm Tyuryumin theo lộ trình khép kín đã đạt được tốc độ trung bình kỷ lục 857,657km/h với trọng tải hàng trên boong là 70 tấn và quãng đường bay là 1000km.
Và với trọng tải hàng trên boong là 70 tấn với quãng đường vay là 2000km thì vận tốc trung bình kỷ lục đạt được là 857,697km/h.
- Ngày 26/10/1977, các vận động viên nhảy dù Liên Xô đã xác lập được 2 kỷ lục thế giới – nhảy dù đơn từ độ cao 15.760m và rơi tự do tới độ cao 960m và nhảy nhóm từ độ cao 14.846m và rơi tự do tới độ cao 631m.
- Ngày 27/10/1977, xác lập thêm một kỷ lục thế giới của nữ - nữ vận động viên nhảy dù đã rời khỏi máy bay IL-76 ở độ cao 14.974m và bay tự do tới độ cao 574m. Cơ trưởng của chuyến bay này là phi công thử nghiệm Tyuryumin.