Giới quan sát Trung Quốc nhận định có nhiều khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phá vỡ quy định về tuổi nghỉ hưu để giữ lại trợ thủ đắc lực là ông Vương Kỳ Sơn.
SCMP dẫn lại lời phân tích của một số chuyên gia Trung Quốc. Theo những vị chuyên gia này, nhiều khả năng Chủ tịch Trung Quốc sẽ phá vỡ luật bất thành văn về tuổi nghỉ hưu trong Ban thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc để giúp “cánh tay phải” Vương Kỳ Sơn ở lại, tiếp tục trợ giúp chống tham nhũng.
Trong kỳ đại hội lần thứ 19 diễn ra vào năm sau, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bầu ra thành viên mới của Bộ chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Trong tổng cộng 7 ủy viên đương nhiệm của Ban Thường vụ, hiện chỉ còn ông Tập Cận Bình (63 tuổi) và ông Lý Khắc Cường (61 tuổi) là còn đáp ứng được quy định về tuổi tác để có thể tái cử. 5 thành viên còn lại đều đã hơn 68 tuổi, không đáp ứng được quy định ngầm về tuổi nghỉ hưu. Trong 5 thành viên nói trên có ông Vương Kỳ Sơn, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Ông Vương Kỳ Sơn được đánh giá là trợ thủ đắc lực, là cánh tay phải của ông Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng đả hổ diệt ruồi.
Vương Kỳ Sơn được đánh giá là tay chân thân cận của Tập Cận Bình. |
Từ trước đến nay, Trung Quốc không ban hành một văn bản chính thức nào quy định về độ tuổi nghỉ hưu của các thành viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, một bình luận viên người Trung Quốc làm việc tại tờ Diplomat, ông Châu Xuất Thiên cho biết, Bộ chính trị Trung Quốc luôn tuân thủ theo nguyên tắc “7 lên 8 xuống”. Nguyên tắc này đồng nghĩa với việc, những thành viên nào dưới 67 tuổi có thể tiếp tục tái cử, song song với đó là những người từ 68 tuổi trở lên buộc phải “rút lui”.
Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn mới đây, ông Đặng Mao Sinh, chuyên viên Vụ Nghiên cứu Chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc đã có câu trả lời đáng suy ngẫm trước câu hỏi liệu ông Vương Kỳ Sơn có được hưởng “ưu đãi” nào khác không. Theo nhận định của ông Đặng, “qui định trên vẫn có chỗ cho sự linh hoạt”.
"Khi lựa chọn các lãnh đạo trung ương đảng, tôi cho rằng các quy trình tổ chức nghiêm ngặt và dân chủ toàn diện sẽ được áp dụng, nhưng cần phải có sự điều chỉnh theo hoàn cảnh cụ thể. Đảng cần phải linh hoạt về tuổi tác của các ủy viên Ban thường vụ", ông Đặng nói.
Ông này cũng khẳng định rằng quy định "7 lên, 8 xuống" chưa được văn bản hóa, và cho đến nay chưa có bất cứ tiêu chuẩn tuổi tác cụ thể nào để buộc các ủy viên Ban thường vụ phải nghỉ hưu, rằng "đảng luôn thực hiện sự điều chỉnh tùy theo hoàn cảnh".
Các chuyên gia phân tích cho rằng tuyên bố của ông Đặng, người tham gia vào quá trình soạn thảo văn kiện cho Hội nghị Trung ương 6 vừa diễn ra, là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy ông Vương Kỳ Sơn nhiều khả năng sẽ tiếp tục trúng cử Ban thường vụ Bộ chính trị vào năm tới, dù ông đã 69 tuổi.
Vương Kỳ Sơn được đánh giá là "bàn tay sắt", là “trợ thủ đắc lực” của Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn. Với tư cách là chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Vương đã phụ trách những cuộc điều tra chống lại các quan chức quyền lực nhất, trong đó có cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, cùng một loạt tướng lĩnh quân đội như Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng…
Một giáo sư làm việc tại Nam Kinh nhận định, trợ lý đắc lực như Vương Kỳ Sơn là không thể thiếu trong nhiệm kỳ thứ hai của Tập Cận Bình, vì mong muốn của ông Tập là đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch chống quan tham.
Stratfor cho rằng, việc giữ Vương Kỳ Sơn lại bên mình trong nhiệm kỳ 5 năm tới sẽ giúp Tập Cận Bình củng cố quyền lực của mình, nhất là trong thời điểm Tập được coi là “nhà lãnh đạo nòng cốt” của Trung Quốc sau Hội nghị Trung ương 6. Nhiều đồn đoán cho rằng, Tập Cận Bình có thể sẽ phá vỡ “quy định ngầm” này trong nội bộ đảng để giữ lại những “tay chân thân cận” vào các vị trí trong đảng và chính phủ. Việc này có khả năng đảm bảo sự thành công trong việc thực hiện các chính sách cải cách của mình mà không vấp phải bất cứ sự phản đối nào.
Giới quan sát nhận định, việc giữ lại Vương Kỳ Sơn cũng ẩn giấu một “âm mưu” của ông Tập Cận Bình. Về lý thuyết, hành động này sẽ là cơ sở, là tiền đề để Tập Cận Bình có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực với cương vị là Tổng bí thư hoặc Chủ tịch nước sau nhiệm kỳ thứ 2 khi ông đã 69 tuổi.
Đây là mong muốn của ông Tập Cận Bình, tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nhận định, việc gọi ông là “lãnh đạo nòng cốt” không thể đảm bảo ông sẽ thực hiện được mọi điều mà mình muốn. Nguyên nhân chính là vì, đảng Cộng sản Trung Quốc từ trước đến nay luôn vận hành theo cơ chế lãnh đạo tập thể.
Một giáo sư tại Nam Kinh cho rằng, ngay cả khi Tập Cận Bình nắm giữ quyền lực tối cao trong tay, việc giữ Vương Kỳ Sơn tiếp tục ở lại vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, cần nhiều lập luận thuyết phục.
Ông Đặng Mao Sinh, chuyên viên Vụ Nghiên cứu Chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh, “lãnh đạo nòng cốt như Tập Cận Bình cũng không có quyền đứng trên các Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị khác để ra quyết định”. Ông Đặng cũng cho biết thêm, “Tập Cận Bình cũng chỉ có địa vị, quyền hạn ngang bằng với các ủy viên khác khi đưa ra ý kiến hay biểu quyết”.
Các chuyên gia phân tích của Stratfor cho rằng nếu Tập Cận Bình thật sự có thể giữ Vương Kỳ Sơn trong nhiệm kỳ tiếp theo thì đó sẽ là một minh chứng hùng hồn cho thấy Tập đã có thể thay đổi cấu trúc quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây sẽ là dấu mốc thể hiện sự chuyển hướng từ mô hình đồng thuận sang một quá trình ra quyết định linh hoạt hơn và tập trung quyền lực hơn.
Nghiêm Thu (Đa Chiều)