(Tinmoi.vn) Chỉ trong vòng 20 tháng, Tập Cận Bình đã nắm trong tay nhiều quyền lực hơn 2 người tiền nhiệm của mình nhưng vẫn còn quá sớm để gọi ông là anh hùng mới của Trung Quốc.
Tập Cận Bình đang có tham vọng trở thành anh hùng mới của Trung Quốc, tiếp nối Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình
Quyền lực trong xã hội Trung Quốc hiện đại được tập trung với tốc độ khác nhau. Đối với hầu hết các nhà lãnh đạo, quyền lực được tập trung với tốc độ ổn định. Nhưng với vài người, điều này lại xảy đến như một con tàu chở hàng lao với tốc độ chóng mặt.
Mao Trạch Đông phải mất vài năm, trải qua một cuộc hành quân kéo dài, một cuộc nội chiến với Quốc dân Đảng và phân định biên giới với Nhật Bản rồi mới trở thành lãnh đạo không cần tranh cãi.
Sau đó, Đặng Tiểu Bình nổi lên như một nhà lãnh đạo tối cao của đất nước. Do từng giữ chức Chủ tịch Quân ủy trung ương trong những ngày cuối cùng chính thức điều hành đất nước vào năm 1989, nên ngay cả khi nghỉ hưu ông vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn.
Nhưng chỉ chưa đầy 2 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nổi lên như một người hùng mới đầy tiềm năng giống như Trung Quốc đang tìm kiếm vị thế của một cường quốc trên thế giới.
Chỉ 20 tháng giữ cương vị chủ tịch nước, Tập Cận Bình đã thâu tóm được quyền kiểm soát hơn 2 người tiền nhiệm trước đó của mình là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình hiện đang là người đứng đầu của 9 tổ chức quyền lực nhất Trung Quốc. Ông là chủ tịch Trung Quốc, Tổng bí thư Đảng cộng sản, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và là người đứng đầu của ít nhất 6 ủy ban cấp cao giám sát an ninh quốc gia, Chính sách đối ngoại, an ninh mạng, cải cách toàn diện, hệ thống phòng thủ và cải tổ quân đội.
Tập Cận Bình đã lờ đi sự phân chia bè phái trong Ủy ban Thường vụ Đảng
Các nhà phân tích nói rằng Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực nhanh hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào từ thời Đặng Tiểu Bình. “So với nhiều lãnh đạo cấp cao khác (trong lịch sử CHND Trung Hoa) như Hoa Quốc Phong, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào – Tập Cận Bình có lẽ là người củng cố quyền lực nhanh nhất”, Hongyi Lai, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc đương đại và chính trị tại ĐH Nottingham, Mỹ nói.
Nhưng Cheng Li, Chủ tịch Trung tâm John L.Thornton China thuộc Viện Brookings tại Washington nói rằng Tập Cận Bình và người của ông đang phải đối mặt với tình hình chính trị phức tạp và mạo hiểm với rất nhiều tồn tại trong Đảng nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào của mình.
Sự tăng trưởng kinh tế trong 3 thập kỷ qua đã tạo ra khoảng cách giàu nghèo rất lớn. Chi phí sinh hoạt tăng vọt. Người dân nhận thấy tham nhũng tràn lan và đất nước đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác: ô nhiễm môi trường, những vụ bê bối an toàn thực phẩm, ô nhiễm không khí cực kỳ trầm trọng và xung đột sắc tộc xảy ra tại một số vùng dân tộc thiểu số.
“Một mặt, Tập Cận Bình cam kết cải cách. Mặt khác, ông có vẻ rất bảo thủ, nhấn mạnh đường lối của đảng và duy trì công tác kiểm duyệt và kiểm soát tư tưởng”, Zhiqun Zhu, giám đốc Viện Trung Quốc tại ĐH Bucknell, Mỹ nói. “Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng kiểu lãnh đạo anh hùng có ở khắp Trung Quốc. Xây dựng sự đồng thuận và sự lãnh đạo tập thể là mục tiêu lớn trong chính sách ngày nay ở Trung Quốc. Vì vậy vai trò cá nhân của Tập Cận Bình sẽ không có ảnh hưởng như nhiều người vẫn nghĩ. Tập Cận Bình sẽ phải đối phó với các phe phái khác nhau trong đảng và cố gắng để đạt được sự cân bằng hoặc thỏa hiệp trong những quyết định quan trọng”.
Thời Giang Trạch Dân và Hồ Cầm Đào, họ chỉ cần sự đồng thuận và thỏa hiệp trong Bộ chính trị, trong Ủy ban thường vụ thì không cần.
Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông năm 1959
Ví dụ,Giang Trạch Dân đã buộc phải từ bỏ việc đề xuất thành lập một ủy ban an ninh quốc gia, tương tự như ủy ban do Tập Cận Bình thành lập dưới sức ép mạnh mẽ từ bên trong.
Các nhà phân tích nói rằng dưới hệ thống lãnh đạo tập thể, có sự phân chia rõ ràng về công việc và quyền lực trong Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị.
Nhưng Tập Cận Bình dường như đã né được các quy tắc, làm đảo lộn quyền hạn của những người trong ủy ban. Tập Cận Bình tham gia nhiều hơn vào việc hoạch định chính sách kinh tế khi nắm vai trò đứng đầu lực lượng làm nhiệm vụ thăm dò cải cách. Vị trí này trước đây vốn do Thủ tướng đảm nhiệm.
Các nhà phân tích không đồng ý về mức độ mà Tập Cận Bình có thể tự đưa ra quyết định hay khi nào phải tiến hành các cuộc liên minh. Việc không đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề chính giữa các thành viên ủy ban thường vụ và những lãnh đạo đã về hưu hay được đưa ra như một nguyên nhân của việc thiếu thay đổi ý nghĩa dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Không giống như 2 người tiền nhiệm của mình – những người có nền tảng khá khiêm tốn, Tập Cận Bình là con cháu thuộc tầng lớp thượng lưu Trung Quốc. Cha ông, Tập Trọng Huân là một nhà cách mạng, đã cùng với Mao Trạch Đông giúp Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế. Phả hệ này mang lại cho Tập Cận Bình niềm tin và sự tôn trọng giữa các tầng lớp cầm quyền.
Các nhà phân tích nói rằng Tập Cận Bình dường như có tham vọng rất lớn để hình thành một di sản chính trị của riêng mình và muốn được xem ngang với Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình – những người sáng lập Đảng cộng sản Trung Quốc.
Để thực hiện mục tiêu của mình, Tập Cận Bình đã tập trung vào 2 mặt trận quan trọng – tiêu diệt tham nhũng, củng cố hệ tư tưởng trong nỗ lực xây dựng một chính phủ trong sạch và tái cơ cấu kinh tế, đảng, nhà nước, tư pháp và các tổ chức quân sự.
Chu Vĩnh Khang sa lưới "đả hổ diệt ruồi" của Tập Cận Bình
Gần đây, Trung Quốc công bố điều tra cựu Bộ trưởng Bộ công an và cựu Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang và khai trừ đảng, cách chức Từ Tài Hậu, nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Cuộc điều tra chính thức đối với Chu Vĩnh Khang rõ ràng đánh dấu bước đi của Tập Cận Bình trong việc củng cố quyền lực, Steve Tsang, người đứng đầu Trường Nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc ĐH Nottingham cho biết.
Nhưng ông Tsang cũng lưu ý Tập Cận Bình đã phải mất một khoảng thời gian dài để hất cẳng Chu Vĩnh Khang kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. “Mất gần 1 năm để ông ấy làm việc này, đó không giống những gì mà một người hùng có thể chịu được”.
Ông cũng lưu ý rằng Tập Cận Bình đã sử dụng các tổ chức mới, được gọi là các tổ chức nhỏ - nhằm tăng cường quyền lực để có thể sử dụng đảng như công cụ kiểm soát. “Một lần nữa, đây không giống những gì một người hùng sẽ làm. Ông ta quan tâm đến quyền lực của bản thân hơn là cách tăng cường quyền lực chính thức”.
Thật vậy, chiến dịch chống tham nhũng chưa từng thấy được coi như đang củng cố vai trò cai trị hợp pháp của đảng.
Tại Hội nghị lần thứ 3 của Ủy ban Trung ương năm ngoái, đảng đã công bố chương trình cải cách xã hội, kinh tế, và pháp lý tham vọng nhất trong nhiều thập kỷ.
Một số nhà phân tích cho rằng kiểu tôn sùng cá nhân từng thấy dưới thời Mao Trạch Đông có lẽ sắp trở lại với những người dân “tôn thờ lãnh tụ vĩ đại”.
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Hồng Kông đã chỉ ra rằng tên của Tập Cận Bình đã được nhắc đến thường xuyên hơn trên tờ Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc - nhiều hơn bất kỳ vị lãnh đạo hàng đầu nào thời kỳ hậu Mao Trạch Đông.
Việc các nhà tuyên truyền Trung Quốc xuất bản “cuốn sách nhỏ” của Tập Cận Bình - A Reader of General-Secretary Xi Jinping's Important Speeches – xác định vị trí cai trị mới của ông, kế thừa Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình mootjcachs tự nhiên, các nhà phân tích chỉ ra.
“Đó là một phần trong những nỗ lực không ngừng xây dựng một hình ảnh của nhà lãnh đạo tuyệt vời sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình theo thời gian”, Zhang Lifan, một nhà lịch sử đảng từng làm việc tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói.
Đặng Tiểu Bình là người đi tiên phong trong “cuộc cách mạng thứ hai” và được coi là một nhà cải cách. Tập Cận Bình nói rằng mục tiêu của ông là thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” được “trẻ hóa”.
Trong khi hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng Tập Cận Bình có thể sẽ làm được nhiều hơn Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, họ cũng nói rằng còn quá sớm và không cần phải tâng bốc khi so Tập Cận Bình với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. “Tập Cận Bình mới chỉ có một khởi đầu ấn tượng. Vẫn còn nhiều thứ phải làm hơn thế”, ông Lai nói.
Tsang nói rằng, trừ khi và cho đến khi Tập Cận Bình có thể thay đổi đảng cộng sản theo những gì ông muốn nếu không chủ tịch nước vẫn có thể bị tấn công. “Còn quá sớm để suy đoán ông là một anh hùng giống như Đặng Tiểu Bình”.
Bảo Linh (Theo tin tức SCMP)