Vào lúc 11h10 sáng ngày 7/7 (giờ Washington, vào khoảng 23h cùng ngày theo giờ Việt Nam), TBT Nguyễn Phú Trọng và TT Obama đã hội đàm tại Nhà Trắng về nhiều vấn đề, trong đó có tranh chấp Biển Đông.
[mecloud]AVVJ1GDzhG[/mecloud]
Theo tin tức từ Reuters, TBT Nguyễn Phú Trọng cho biết ông chia sẻ quan ngại về các hoạt động không phù hợp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông. TBT và TT Obama ủng hộ nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không đơn phương làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Trong chuyến thăm này, TBT Nguyễn Phú Trọng đã mời TT Obama đến thăm Việt Nam và bày tỏ vui mừng khi lãnh đạo Nhà Trắng đã chấp nhận. Ông Obama cho rằng lời mời đến thăm Việt Nam của TBT Nguyễn Phú Trọng là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa 2 nước đã thay đổi, dù còn nhiều khác biệt.
TBT Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cách đây 20 năm, không ai có thể hình dung tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng diễn ra cuộc gặp thú vị giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi thân mật, xây dựng, thẳng thắng, chân tình.
Theo TTXVN, TT Obama nhấn mạnh Mỹ hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam và vai trò của Việt Nam ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trong thời gian tới vì lợi ích của hai nước và của khu vực.
Hai bên cùng cho rằng chuyến thăm chính thức Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ giữa hai nước.
Trong cuộc hội đàm, 2 nhà lãnh đạo Việt - Mỹ đã thảo luận thẳng thắn về các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người một cách tổng thể luôn là mục tiêu và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, khẳng định Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đối thoại với phía Mỹ trên lĩnh vực này với tinh thần cởi mở và xây dựng.
Chuyến thăm diễn ra sau 40 năm chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ và 2 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
Sau cuộc hội đàm, hai bên ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt - Mỹ, trong đó khẳng định làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác toàn diện, trong đó có nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, ngoại giao, nhân quyền, an ninh và quốc phòng. Hai bên cũng nhấn mạnh tăng cường hợp tác trong những vấn đề khu vực và toàn cầu.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội đàm thẳng thắn, thân mật, mang tính xây dựng với Tổng thống Barack Obama |
Đánh giá về chuyến thăm lịch sử lần này của TBT Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, một số tờ báo hàng đầu phương Tây nhận định:
"Chuyến thăm sẽ tăng cường mối quan hệ giữa hai nước trong thời điểm quan trọng. Cả hai nước đều đang tham gia quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với hy vọng thỏa thuận sẽ ra đời trước khi Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động bồi lấp của Trung Quốc trên Biển Đông, an ninh hàng hải có thể sẽ là những vấn đề trọng tâm trong cuộc hội đàm song phương. Trong 20 năm qua, Việt - Mỹ đã phát triển từ một lệnh cấm vận sang mối quan hệ ngoại giao, thỏa thuận thương mại song phương và quan hệ đối tác toàn diện. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, theo lời mời của chính quyền Obama, là dấu hiệu Mỹ tôn trọng sự lựa chọn của chế độ chính trị của Việt Nam", tờ The Diplomat nhận định.
"Việt Nam và Mỹ trong vài năm qua xích lại gần nhau một cách nhanh chóng, tới mức những "kiến trúc sư" hòa giải phải dùng từ "ngoạn mục" để mô tả. Mối quan hệ Việt - Mỹ thay đổi đáng kể và được thể hiện rõ nét hơn trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Nhà Trắng hôm nay", theo New York Times
"Chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ là một sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ, không chỉ về mặt biểu tượng và còn về ý nghĩa chiến lược. Theo ông, Việt – Mỹ đang càng gần nhau hơn trên nhiều lĩnh vực từ thương mại và đầu tư cho đến an ninh khu vực", BBC dẫn lời Tiến sỹ Jonathan London, thuộc Khoa Nghiên cứu châu Á và Quốc tế, Đại học Thành thị Hong Kong.
Bảo Linh (Tổng hợp)