Tại triển lãm hàng không diễn ra gần đây ở Singapore của tập đoàn Dornier GmbH Seawings, tập đoàn này đã thông báo kế hoạch phối hợp với công ty Trung Quốc nhằm sản xuất một loại thủy phi cơ mới. Loại thủy phi cơ này đã lọt vào "mắt xanh" của Quân Giải phóng Trung Quốc PLA.
Dornier cùng với tập đoàn Công nghiệp Truyền thông Vô Tích và tập đoàn Phát triển Công nghiệp Vô Tích đang xây dựng một nhà máy ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Sau khi xây dựng, đây sẽ là nơi sản xuất thủy phi cơ Dornier SeaStar vào cuối năm nay.
Lưu Ngọc Hải - đại diện của Dornier tại Trung Quốc cho biết hiện nay công ty đang liên hệ với quân đội Trung Quốc sau khi PLA tỏ thái độ quan tâm tới mẫu thủy phi cơ mới này.
Thủy phi cơ Seastar có tầm hoạt động 1.667 km (900 hải lý) ở tốc độ bay 333 km/h, và có thể hoạt động liên tục trong 7,5 giờ. Máy bay này có khả năng hạ cánh trên các đường băng và cả trên mặt nước ở những vùng biển có độ sâu từ 60 cm.
Thủy phi cơ SeaStar của Dornier hạ cánh trên mặt nước |
Chiếc máy bay đa năng SeaStar có thể sử dụng để tuần tra bảo vệ bờ biển, tìm kiếm cứu nạn, chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa và các hoạt động khác ở ngoài khơi.
Điều đáng chú ý là nếi hai bên có thể hợp tác, Trung Quốc có thể tiếp nhận nhiều thiết bị, công nghệ quan trọng, chẳng hạn như động cơ Pratt & Whitney PT6A - 135A, thiết bị hạ cánh và hệ thống phanh Sumitomo SPPCA của Canada, cùng hệ thống điều khiển điện tử và định vị tương tác Primus Epic 2.0 của Honeywell (Mỹ).
Mỹ và Canada đã đặt ra những hạn chế về xuất khẩu các mặt hàng quốc phòng sang Trung Quốc kể từ năm 1989. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ cũng trở nên căng thẳng với những diễn biến gần đây trên Biển Đông.
Sau khi thực hiện hàng loạt dự án bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gần đây Trung Quốc đã tăng cường mua những chiếc thủy phi cơ có thể hạ cánh trên đất liền hoặc trên biển.
Nghiêm Thu (Tổng hợp)