Sở hữu hơn 40 loại sản phẩm đồ uống khác nhau, Tân Hiệp Phát – doanh nghiệp đang gặp sự cố với việc “mua” con ruồi với giá nửa tỷ đồng – đươc đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp nước giải khát.
Được thành lập từ năm 1994, với tiền thân là nhà máy bia Bến Thành chuyên sản xuất nước ngọt, nước có ga, hương vị bia… Tân Hiệp Phát đã vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp nước giải khát.
Cột mốc đáng nhớ đầu tiên trong quá trình phát triển “thần tốc” là năm 2001 Tân Hiệp Phát đầu tư xây dựng nhà máy bia hiện đại nhất Đông Nam Á - nhà máy duy nhất tại Việt Nam sản xuất bia tươi đóng chai có công suất lớn.
Theo đà phát triển, Tân Hiệp Phát mở rộng diện tích nhà máy và khu văn phòng tại Bình Dương với diện tích lên đến hơn 40 ha, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống dây chuyền sản xuất, hiện đại hóa kỹ thuật công nghệ. Là một trong những đơn vị trong nước sở hữu nhiều công nghệ sản xuất, dây chuyền hiện đại bậc nhất thế giới như dây chuyền chiết lạnh vô trùng Aseptic, dây chuyền công nghệ châu Âu, Nhật Bản.
Đến nay, Tân Hiệp Phát đã vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp nước giải khát khi sở hữu hơn 40 loại sản phẩm, như nước tăng lực Number 1, trà xanh Không Độ, trà thảo mộc Dr Thanh, nước ép trái cây Juicie, sữa đậu nành cao cấp Soya, nước tinh khiết Number 1, nước uống vận động Number 1 Active… và là doanh nghiệp đi đầu trong việc đưa ra thị trường các sản phẩm giải khát có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Tân Hiệp Phát - một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp nước giải khát
Từ công suất 1 triệu lít/ năm thời kỳ đầu, đến năm 2014, Tân Hiệp Phát dự kiến đạt 1 tỷ lít/ năm, mỗi năm nộp vào ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho hơn 4.000 lao động… Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng song hành cùng sự phát triển của cộng đồng, gắn bó và tài trợ nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, xã hội.
Trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều cá nhân và tập thể của Tân Hiệp Phát cũng được Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam tặng bằng khen.
Theo báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống việt Nam năm 2013, doanh thu và thị phần của Tân Hiệp Phát luôn đứng đầu toàn ngành. Tăng trưởng Doanh thu hàng năm thường xuyên đạt con số ấn tượng, trung bình mỗi năm tăng hơn 2.000 tỷ đồng.
Doanh thu năm 2010 của Tân Hiệp Phát đạt 1.990 tỷ đồng, chiếm 18,54% thị phần, chỉ đứng sau công ty SPVB (trước đây là Pepsic
o Việt Nam và IBC). Năm 2011, doanh thu tăng lên hơn gấp đôi, đạt 4.051 tỷ đồng, thị phần tăng lên 23,27%, và đỉnh cao là năm 2012, khi doanh thu do tập đoàn của Trần Quý Thanh mang lại lên tới 6.142 tỷ đồng.
Theo quyết định 2435/QĐ-BCT của Bộ Công thương về “Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia- rượu- nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” sẽ “xây dựng ngành bia – rượu – nước giải khát Việt Nam thành một ngành kinh tế quan trọng, sản xuất ra nhiều sản phẩm đáp ứng như cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước”.
Bộ Công thương cũng phấn đấu giai đoạn 2011-2015 sản lượng nước giải khát đạt 4 tỷ lít, đến 2015 sản lượng sẽ đạt 11 tỷ lít. Riêng tập đoàn Tân Hiệp Phát, khởi đầu với nhà máy nước chỉ đạt 1 triệu lít/ năm, đến năm 2014, công suất đã tăng lên 1 tỷ lít/năm, thường xuyên chiếm gần 25% thị phần đầy triển vọng này.
“Tập đoàn Tân Hiệp Phát đang nhắm đến mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2018, trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu châu Á ở lĩnh vực nước giải khát, bao bì và thực phẩm ăn liền”, Chủ tịch tập đoàn Trần Quý Thanh đã không giấu khỏi niêm tự hào vào buổi kỷ niệm 20 năm thành lập diễn ra tối 15/10 tại Bình Dương.
Tân Hiệp Phát có tất cả hơn 40 loại sản phẩm
Tân Hiệp Phát và những sự cố “để đời”
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp nước giải khát, tuy nhiên, Tân Hiệp Phát đã không ít lần dính phải những sự cố “để đời” khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại.
Trước đó, hồi năm 2012, anh Trần Quốc Tuấn (27 tuổi, làm nghề thợ bạc, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sau khi phát hiện thấy một con gián trong chai trà xanh của công ty Tân Hiệp Phát, đã yêu cầu công ty này phải đưa 50 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng, nếu không Tuấn sẽ thông báo vụ việc cho báo chí. Phía công ty TNHH Tân Hiệp Phát sau đó đã đồng ý đưa số tiền theo yêu cầu của Tuấn, đồng thời trình báo công an việc bị Tuấn tống tiền.
Ngày 5/6/2012, lúc hai bên đang trao đổi thì Tuấn bị công an bắt vì tội tống tiền.
Trước đó tháng 12/2011, tờ Công an TP.HCM đưa tin Công ty Tân Hiệp Phátcũng từng bị khách hàng yêu cầu bồi thường 49 triệu đồng cho 5 chai nước ngọt của công ty do khách cho rằng sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, khi đang nhận tiền của Công ty Tân Hiệp Phát thì Công an tỉnh Đồng Nai và Công an TP. Biên Hòa ập vào bắt giữ.
Rõ ràng việc đòi bồi thường của khách hàng là không đúng, nhưng những sự cố liên tiếp liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát rõ ràng là có vấn đề. Người tiêu dùng đang ngày càng hoài nghi về chất lượng của một thương hiệu đồ uống vốn đang thịnh hành trên thị trường.
Ngoài ra, cách xử lý biến mình thành người bị hại của Tân Hiệp Phát cũng khiến dư luận không khỏi bức xúc. Dường như thông điệp mà Tân Hiệp Phát muốn gửi đến khách hàng là, nếu sản phẩm của công ty này có vấn đề gì thì tốt nhất là giữ im lặng, coi như không may mắn, chứ đừng phản ánh lại với công ty và hy vọng vào sự thỏa hiệp, đền bù.
Trong khi đó, các sản phẩm của công ty này thường xuyên xảy ra các sự cố. Tháng 2/2009, Sở Y tế tỉnh Bình Dương phát hiện 26 tấn hương liệu quá hạn sử dụng trong kho của Tân Hiệp Phát. Tiếp đó, ngày 21/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an C15B (TP.HCM) phát hiện tại kho số 169 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh của Tân hiệp Phát 31 tấn nguyên liệu đã quá hạn trên bao bì gốc và được dán nhãn phụ ghi hạn sử dụng mới tới năm 2009-2010. Ngày 25/6, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phát hiện 9,9 tấn hương liệu quá hạn đang chờ thanh lý trong một kho hàng khác của Tân Hiệp Phát tại Thuận An.
Cận cảnh con ruồi trong chai nước ngọt Number One của Tân Hiệp Phát. Ảnh: VTC News
Ngày 12/6, trong buổi họp báo tại TP.HCM do Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Thành Danh, Phó chi cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương khẳng định, Cục chưa phát hiện Tân Hiệp Phát dùng hương liệu quá hạn vào việc sản xuất. Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát vẫn chưa giải thích rõ ràng về lô hàng tại Nơ Trang Long cũng như việc một số lô hàng được dán nhãn hạn sử dụng mới.
Việc Tân Hiệp Phát không giải thích rõ ràng về các lô nguyên liệu trên cũng như không có các văn bản liên quan đến việc thanh lý chúng đã gây hoang mang cho khách hàng và người tiêu dung, đồng thời, ảnh hưởng không ít đến uy tín của thương hiệu này.
Một thương hiệu nổi tiếng khác của Tân Hiệp Phát là trà thảo mộc Dr.Thanhcũng dính hàng loạt sự cố. Tháng 8/2011, một khách hàng phát hiện một lô sản phẩm trả Dr.Thanh bị đóng cặn màu trắng đục, xuất hiện nhiều bọt sủi và có dị vật ở trong chai.
Một khách hàng tại Đà Nẵng phản ánh khi mua 2 lốc (loại 6 chai/lốc) trà thảo mộc Dr.Thanh (loại 350ml) về sử dụng, uống đến chai thứ 10 bất ngờ phát hiện bên trong có đóng váng lợn cợn và nổi bọt trắng đục, mặc dù chưa mở nắp.
Năm 2012, khách hàng Lê Cao Tánh (ngụ số 54 đường Bùi Thị Xuân, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cũng gửi đơn đến Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh yêu cầu xác minh làm rõ chất lạ có trong 2 chai Dr.Thanh 350ml.
Trước đó, anh Tánh mua 10 chai loại nước này có hạn sử dụng đến 22/8/2013 tại một tiệm tạp hóa gần nhà. Sau khi các con anh Tánh uống thì có triệu chứng đau bụng đi ngoài, khi kiểm tra thì phát hiện 2 chai Dr.Thanh còn lại chưa khui có chất lạ bên trong màu nâu kết tủa thành cục đặc quánh.
Cũng trong năm 2012, bà Tất Tố Mai - chủ quán cà phê Hàng Hải (số 70 đường Hạ Long, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phản ánh nhiều chai Dr. Thanh được khách hàng phản ánh còn chưa mở nắp và hạn sử dụng đến tháng 5-6/2013. Tuy nhiên, nước uống trong chai đều có tình trạng chất nhày kết tủa lợn cợn nổi bồng bềnh phía trên cổ chai...
Trước các sự cố, Tân Hiệp Phát khẳng định sẽ đổi lại sản phẩm bằng sản phẩm khác và khắc phục các lỗi trong quá trình sản xuất.
Một sản phẩm khác của Tân Hiệp cũng từng dính "phốt" là sữa đậu nành Number One bị đóng cục. Một khách hàng tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có gửi đơn khiếu nại đến Văn phòng Khiếu nại của người tiêu dùng phía Nam về việc mua 2 chai sữa đậu nành tự nhiên Number One Soya còn hạn sử dụng, đã phát hiện bên trong chai nổi lên cục màu trắng.
Khi khách hàng báo với Tân Hiệp Phát, công ty này đã thừa nhận là hàng của công ty và giải thích do sơ suất lỗi kỹ thuật nên xảy ra hiện tượng trên.
Mới đây nhất là việc của anh Võ Văn Minh (Tiền Giang) phát hiện trong chai nước ngọt Number One có ruồi đã gọi điện cho Công ty Tân Hiệp Phát thông báo và đề nghị đưa anh 1 tỷ đồng, sau đó số tiền được rút xuống 500 triệu và doanh nghiệp này đã đồng ý. “Chiêu” cũ lại được sử dụng, khi anh Minh đến quán cà phê theo lời hẹn của người đại diện công ty để nhận tiền thì bị công an bắt giữ và đã bị khởi tố.
Bảo An (tổng hợp)