Luật sư Đỗ Văn Hiền nhận định, việc xử lý tình huống “con ruồi trong chai nước Number One” rùm beng dư luận mấy ngày vừa qua là một nước cờ cao tay của Tân Hiệp Phát.
Liên quan đến vụ việc con ruồi trong chai nước được định giá nửa tỷ đồng, Luật sư Đỗ Văn Hiền – Công ty Luật Đỗ Thành Nam (Hà Nội) cho biết, trước đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng cách ứng xử của Tân Hiệp Phát thực sự lệch chuẩn, không phải là cách làm khôn ngoan của những người làm thương hiệu chuyên nghiệp. Và các ý kiến khác còn nhận định dường như Tân Hiệp Phát đang cố tình vi phạm thỏa thuận dân sự…
Tuy nhiên, là một trong số 3 doanh nghiệp hàng đầu chiếm lĩnh thị phần nước giải khát lớn nhất Việt Nam, đang hướng tới doanh số tỷ đô thì việc “tập hợp” các chuyên gia tư vấn luật của Tân Hiệp Phát không phải là chuyện khó. Hơn nữa, muốn cho công ty phát triển vững mạnh và có thể cạnh tranh để định hình chỗ đứng trên thị trường, Tân Hiệp Phát không thể thiếu các chuyên gia pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp của mình liên quan tới các vấn đề từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng sản phẩm.
“Anh Võ Văn Minh – người ra giá nửa tỷ cho con ruồi trong chai nước Number One có thể trước đó chưa từng nghĩ tới chuyện mình có thể ra pháp đình vì vụ thương lượng này. Rất có thể, trong suy nghĩ của người này, 500 triệu là khoản tiền trao đổi ở mức có thể chấp nhận được. Còn đối với Tân Hiệp Phát, chủ đích danh của chai nước này thì họ lại là cả một tổ chức hùng hậu chứ không chỉ là một cá nhân. Hơn nữa, sẽ không có doanh nghiệp nào “thiếu khoan ngoan, thừa hồ đồ” tới mức ban đầu thì chấp nhận mua sự im lặng với giá thỏa thuận, sau đó âm thầm báo cơ quan công an về vụ việc” – Luật sư Đỗ Văn Hiền nhấn mạnh.
Đòi nửa tỷ cho chai nước có ruồi, người tiêu dùng tự làm mình rơi vào tình huống khó
Theo phân tích của Luật sư Hiền, giả thử chuyện giao dịch của anh Minh và Tân Hiệp Phát diễn ra theo một tình huống đúng như thỏa thuận trước đó thì anh Minh nhận được 500 triệu và ra về, hoàn toàn giữ im lặng về vụ việc liên quan đến con ruồi. Còn phía Tân Hiệp Phát, khi kết thúc thương lượng thì 500 triệu đã vào túi khách hàng. Đổi lại, công ty vẫn tiếp tục duy trì việc kinh doanh sản phẩm một cách bình thường. Uy tín của công ty cũng sẽ không bị người tiêu dùng, Cộng đồng mạng và cả giới truyền thông “đào lên, xới lại” với nghi vấn sản phẩm bẩn một cách rùm beng.
Thế nhưng, Tân Hiệp Phát đã thay đổi tình huống vào phút chót. Nghĩa là họ chủ động để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thực hư vụ việc, cùng với đó, chấp nhận những chuyện lùm xum xum kéo theo liên quan tới bê bối này.
Luật sư này dẫn giải, thử đặt câu hỏi liệu số tiền 500 triệu đối với một công ty lớn mạnh như Tân Hiệp Phát có phải là quá lớn? Và có phải đối với công ty, cái giá của một con ruồi trong trường hợp này là quá đắt? Câu trả lời chắc chắn là không. Vì với Doanh thu khủng của mình, 500 triệu đối với công ty giải khát, nước uống này thực sự có thể nói “chỉ nhỏ như con ruồi”. Và nếu con ruồi trong chai nước là có thật thì 500 triệu để đổi lấy sự im lặng trong trường hợp này lại càng là cái giá nhỏ bé và rẻ hơn nữa. Tuy nhiên, nước cờ Tân Hiệp Phát lựa chọn ứng xử trước sự cố lần này – bề ngoài có thể thấy đó là sự phá vỡ thỏa thuận, nhưng thực chất đó là một nước cờ cao tay.
Theo luật, giả sử con ruồi nằm trong chai nước giải khát là do anh Võ Văn Minh đưa vào thì trong tình huống này, hành vi của anh Minh đã cấu thành tội "Cưỡng đoạt tài sản" bởi lẽ anh Minh đã ngụy tạo việc chai nước có ruồi là do lỗi của nhà sản xuất, sau đó buộc nhà sản xuất phải trả tiền cho mình để mình không công bố sự việc này ra công luận.
Còn trường hợp nếu con ruồi nằm trong chai nước là có sẵn trong chai, không phải do anh Minh đưa vào, thì nếu anh Minh nhân sự việc này mà yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát phải trả tiền cho mình để mình không công bố sự việc ra công luận, hành vi của anh Minh vẫn cấu thành tội "Cưỡng đoạt tài sản".
Như vậy, về pháp lý, rõ ràng công ty này luôn nắm đàng chuôi. Người tiêu dùng không hiểu biết về luật nên bị rơi vào tình huống khó. Và động thái của Tân Hiệp Phát trong vụ việc này như một con dao phóng trúng nhiều đích. Thứ nhất là đối với những thành phần khách hàng có ý định “vòi tiền” doanh nghiệp bằng cách đòi bồi thường do tiêu dùng sản phẩm có nghi vấn “bẩn” của công ty thì nên biết “giới hạn” của sự việc, rằng chuyện pháp đình khó tránh khỏi. Thứ hai, đó là lời cảnh báo các đối thủ cạnh tranh của Tân Hiệp Phát đang có ý định hạ gục uy tín của doanh nghiệp này bằng các chiêu trò: ruồi, gián, dị vật trong sản phẩm của công ty, rằng doanh nghiệp này không nhượng bộ.
“Và trong khi chờ đợi kết quả giám định “con ruồi” được công bố một cách chính thức thì ít nhất, người ta cũng thấy được một thực tế là khách hàng đang trực tiếp bị trừng phạt” – Luật sư Hiền cho hay.
Trước đó, ngày 3/12/2014, anh Võ Văn Minh khi đang bán đồ uống cho khách được cho là đã phát hiện con ruồi có trong chai nước ngọt Number One do Công ty Tân Hiệp Phát sản xuất. Anh Minh giữ lại chai nước rồi gọi điện cho doanh nghiệp yêu cầu cử đại diện xuống thương lượng.
Lúc đầu, anh Minh ra giá 1 tỷ đồng để đổi lấy sự im lặng, nếu không sẽ cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời in tờ rơi phát tán việc này.
Sau 3 lần thương lượng, phía Tân Hiệp Phát đồng ý trả cho anh Minh 500 triệu đồng. Và đến ngày 27/1, khi anh Minh đang nhận tiền tại một quán cà phê ở huyện Cái Bè thì bị công an ập vào bắt quả tang.
Vũ Đậu