Mới đây, tờ Southern Weekly có trụ sở tại Quảng Châu, Trung Quốc đã phanh phui "bảng giá" mua quan bán chức"của quan tham nước này.
Dẫn nguồn từ các tài liệu điều tra tham nhũng trên toàn quốc, bài viết trên Southern Weekly lưu ý rằng chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nâng cái giá hối lộ do những người liên quan gặp rủi ro cao hơn.
Ví dụ, Du Baoqian, người mới được thả ra hồi tháng 6 năm nay sau 14 năm ngồi tù vì hối lộ vào năm 2001. Ông này đã nhận hối lộ 270.000 nhân dân tệ (42.500 USD) tiền hối lộ. Là bí thư quận Lushi, Hà Nam, Du đã nhận khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.570 USD) cho mỗi lần và cao nhất là 50.000 tệ (7.870 USD) cho một vụ bán chức.
Một trường hợp khác là Yan Jinxing, cựu bí thư huyện Si, tỉnh An Huy. Khi Yan bị xét xử vào tháng 9/2014, đã có cáo buộc ông này nhận hối lộ 3 lần riêng rẽ gồm: 5.000 tệ (787 USD), 10.000 tệ (1.573 USD) và 5.000 tệ (787 USD) từ một người để thăng cấp cho anh ta từ năm 2001 đến 2007.
Sau năm 2007, giá hối lộ đã tăng lên với trường hợp của Tong Mengjiao, cựu bí thư huyện Mianchi, tỉnh Hà Nam. Ông này bị cáo buộc nhận hối lộ 100.000 tệ (15.730 USD) cho mỗi vụ đề bạt.
Giá cả tiếp tục tăng sau năm 2010. Vào năm 2012, Wu Baoliang, cựu bí thư huyện Xiaoxian, tỉnh An Huy đã nhận hối lộ ở tất cả các cấp, hầu hết lần nào cũng ít nhất 200.000 tệ (31.460 USD).
Trong những năm gần đây, giá hối lộ được đánh dấu ở mốc 1 triệu. Trong một cuộc điều tra liên quan đến tổ chức bầu cử tại huyện Nanchong, tỉnh Tứ Xuyên, cơ quan chức năng phát hiện ra một ứng viên đã chi trung bình 1,4 triệu nhân dân tệ (164.000 USD) để hối lộ cho 16 người.
Số tiền hối lộ thường phụ thuộc vào cấp bậc và vị trí của người đó. Ví dụ, ở cấp huyện, người đưa hối lộ phải trả khoảng 300.000 nhân dân tệ (47.200 USD) để được thăng lên chức phó giám đốc. Ở cấp thành phố, gần đây có trường hợp một quan chức ở Nội Mông đã chi 550.000 tệ (86.560 USD) và 3 kg vàng để được thăng từ phó bí thư thành ủy lên Phó thị trưởng.
Tuy nhiên, ở những cấp cực cao, việc mua quan bán chức lại được mang ra đấu giá. Vào tháng 3 năm nay, Yang Chunchang, cựu cục trưởng cục xây dựng quân đội thuộc Viện Khoa học Quân sự PLA đã khai trước tòa rằng cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu (người đã chết vì ung thư bàng quang trước khi ra hầu tòa) đã tổ chức cho các ứng viên đấu giá việc thăng cấp.
Quan tham Từ Tài Hậu (trái). Ảnh: CNS |
Nếu có người đưa 10 triệu tệ (1,57 triệu USD) và người khác đưa 20 triệu tệ (3,15 triệu USD), Từ Tài Hậu sẽ thăng chức cho người đưa nhiều tiền hơn, Yang nói.
Bài báo cũng cho hay có nhiều trường hợp quan chức đã trả tiền để được đề bạt hoặc gian lận bầu cử nhưng cuối cùng lại không được việc. Báo dẫn ra một vụ việc nổi tiếng, ứng viên đã chi 600.000 tệ (94.400 USD) hối lộ để có được vị trí trong thôn. Ông này đã ngât ngay tại chỗ khi phát hiện ra mình không thắng cử.
Vụ việc chi ra số tiền lớn nhất cho chức vị thấp nhất thuộc về Hao Erzhu. Ông đã chi ra 7,68 triệu tệ (1,21 triệu USD) để mua được chiến thắng trong cuộc bầu cử thôn tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây năm 2011. Đối với Hao, vụ chi tiền này là hợp thời bởi sau đó, ông ta đã lợi dụng chức quyền để biển thủ hơn 50 triệu tệ (7,87 triệu USD) từ quỹ đền bù đất của chính quyền và chuyển giao bất hợp pháp 560 mẫu đất làng.
Những lợi ích từ việc nắm giữ một vị trí chính thức có ảnh hưởng ở mọi cấp có lẽ là minh họa tốt nhất cho vụ gian lận bầu cử lớn tại Heyang, tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc. Cuộc điều tra tham nhũng đã phát hiện ra trong số 76 đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh được bầu ra thì có tới 56 người bỏ ra tổng cộng 110 triệu nhân dân tệ (17,31 triệu USD) để mua phiếu bầu.
Bảo Linh (tổng hợp)