4 nhóm tù nhân sẽ được chính quyền Trung Quốc đặc xá nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II, trừ tội phạm tham nhũng.
Theo tin tức trên SCMP, những tù nhân đã từng chiến đấu trong Thế chiến II theo dự kiến sẽ được trả tự do khi cơ quan lập pháp Trung Quốc chuẩn bị đặc xá nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc cuộc xung đột.
Nhưng những người bị kết tội tham nhũng sẽ không được ân xá.
Truyền thông đại lục cũng cho biết cơ quan lập pháp Trung Quốc đang cân nhắc đến một dự thảo sửa đổi để ngăn các tù nhân bị kết án tử hình treo nhờ hối lộ sẽ xin tạm tha sau khi được giảm án xuống thành tù chung thân.
Từ năm 1949, Bắc Kinh đã có 4 lần đặc xá tù nhân, lần cuối cùng là vào năm 1975. Hơn 12.000 tù nhân đã được thả tự do, trong đó có cả "những tội phạm chiến tranh", người đi theo lãnh đạo Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch và "phản cách mạng".
Cơ quan lập pháp cho biết 4 nhóm tù nhân bị bắt giam trước ngày 1/1 và không gây đe dọa cho xã hội sẽ được thả tự do.
Nhà tù Tần Thành, nơi giam giữ nhiều tội phạm chính trị của Trung Quốc. |
Tân Hoa xã dẫn lời ông Li Shishi, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề lập pháp của UB Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cho biết: những tù nhân từng chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Nhật và chống Quốc dân đảng; những người chiến đấu trong các cuộc chiến khác sau năm 1949 cho tới "bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ đất nước"; những người trên 75 tuổi và người tàn tật; những người dưới 18 tuổi khi phạm tội đều sẽ được ân xá.
Nhưng các tù nhân bị kết án do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, hối lộ, tham nhũng, tội phạm có tổ chức và tội phạm khủng bố sẽ không được trả tự do, ông Li nói.
Có những trường hợp ngoại lệ này là do sự phức tạp của cuộc đàn áp tham nhũng đang diễn ra của đất nước và cũng để duy trì "an ninh chính trị" và an toàn xã hội.
Ông Patrick Poon, nhà nghiên cứu Trung Quốc của Tổ chức Ân xá quốc tế ở Hong Kong cho biết việc ân xá này chẳng qua chỉ là "lối nói khoa trương" và ông ấy không nghĩ rằng điều này phù hợp với thủ tục pháp lý.
"Chúng tôi không thể nhìn thấy bất cứ cơ sở pháp lý nào để duy trì cho cái mà chính phủ Trung Quốc gọi là thúc đẩy pháp luật".
"Ân xá mang tính chính trị hơn là pháp lý".
Động thái này cũng đặt ra câu hỏi đó là liệu những tù nhân nổi tiếng như người đạt giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba có được phóng thích?
"Rất khó, có khi là không thể", Zhang Lifan, một nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh nói.
"Tính khoan hồng chỉ là vẻ bề ngoài, chỉ một số lượng nhỏ tù nhân được hưởng lợi".
Beijing News đưa tin cơ quan lập pháp Trung Quốc đang xem xét một dự thảo sửa đổi để ngăn người bị kết án tham nhũng bị xử tử hình treo được tha hoặc giảm án xuống còn chung thân.
Ở Trung Quốc, án tử hình treo thường được giảm xuống còn chung thân sau 2 năm giam giữ.
Bảo Linh (theo SCMP)