Trái Đất luôn đối mặt với viễn cảnh những thiên thạch lao vào bầu khí quyển, đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại. Ngày nay, khoa học hiện đại phát triển giúp con người có thể đưa ra các cảnh báo và các biện pháp để những thiên thạch này đi chệch hướng. Dù vậy vẫn có những tiểu hành tinh "đi lạc" mà ngay cả những công nghệ tiên tiến nhất cũng không thể phát hiện ra.
Theo các nhà quan sát tiểu hành tinh tại Đài quan sát thiên văn Sormano (Ý), một thiên thạch kích thước bằng chiếc xe hơi vừa áp sát Trái Đất ở khoảng cách cực kỳ nguy hiểm: Chỉ 2.950 km.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử quan sát thiên văn học, giới nghiên cứu ghi nhận khoảng cách siêu gần này của một thiên thạch với hành tinh của chúng ta. Họ đặt tên nó cho thiên thạch này là 2020 QG (tên ban đầu là ZTF0DxQ).
Đài quan sát Palomar không phát hiện 2020 QG cho đến khi nó đã đi qua điểm gần Trái Đất nhất khoảng 6 tiếng. "Tiểu hành tinh tiếp cận từ phía Mặt Trời mà không bị phát hiện. Chúng tôi đã không thấy nó lao đến", Paul Chodas, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái Đất thuộc NASA, cho biết.
"Lần tiếp cận hôm Chủ nhật có khoảng cách ngắn nhất từng ghi nhận, nếu không tính một số ít tiểu hành tinh thực sự đâm vào Trái Đất", Chodas nói thêm. Chuyến "ghé thăm" của 2020 QG diễn ra rất nhanh. Nó lao sượt qua Trái Đất với tốc độ lên tới 44.400 km mỗi giờ.
Theo những quan sát ban đầu, tiểu hành tinh 2020 QG bay qua Nam bán cầu vào ngày 16/8. 2020 QG có kích thước rộng từ 2-5,5 m.
"2020 QG đã đi qua khoảng 1/4 đường kính Trái Đất với tốc độ khủng khiếp gần 13 km/giây! Những quan sát ban đầu cho thấy, thiên thạch cỡ xe hơi này đã bay qua Nam Bán cầu lúc 4 giờ sáng theo Giờ Quốc tế ngày 16/8 vừa qua. Cụ thể, 2020 QG bay qua Nam Đại Dương gần Nam Cực." - Tony Dunn, tác giả của website Orbitsimulator.com nói với Business Insider.
Một thiên thạch kích cỡ như vậy sẽ nổ tung trong bầu khí quyển, tạo ra một quả cầu lửa rực rỡ và giải phóng một vụ nổ không khí tương đương với việc kích nổ vài chục kiloton TNT. Vụ nổ này tương đương với sức mạnh của 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nhật Bản vào năm 1945.
"Nếu thực sự va chạm với Trái Đất, 2020 QG có khả năng sẽ trở thành một quả cầu lửa do bị thiêu cháy trong khí quyển. Chuyện này xảy ra vài lần mỗi năm", NASA cho biết.
Dù vậy, điều này không làm cho việc khám phá thiên thạch lao về phía Trái Đất có thể chủ quan. Vào tháng 2/2013, một tiểu hành tinh rộng gấp 4 lần đã phát nổ ở Chelyabinsk, Nga. Vụ nổ tương đương với 30 quả bom hạt nhân ở Hiroshima, xảy ra ở độ cao 20km, tạo ra những trận sóng xung kích khiến toàn bộ cửa sổ của 6 thành phố của Nga vỡ tan tành, khiến khoảng 1.500 người bị thương.
Hai lỗ hổng của NASA
Từ năm 2005, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA cho biết họ vẫn đang thực hiện các cuộc “săn” mối đe dọa từ không gian đến Trái Đất . Tuy nhiên, cơ quan này chỉ được giao nhiệm vụ phát hiện 90% các tảng đá không gian có đường kính lớn hơn khoảng 140 m. Vào tháng 5/2019, NASA đã tìm thấy gần một nửa trong số 25.000 vật thể có kích thước đó.
Do kích cỡ chỉ bằng một chiếc ô tô nên tiểu hành tinh này đã "qua mặt" được NASA và lao về phía Trái Đất.
Thứ hai, 2020 QG lao đến Trái Đất từ hướng Mặt Trời. Đây được coi như lỗ hổng mà loài người không thể khắc phục được bởi chẳng ai có thể nhìn trực tiếp lên Mặt Trời cả.
"Chúng ta không thể làm gì nhiều khi phát hiện các tiểu hành tinh/thiên thạch đến từ hướng Mặt Trời, vì các tiểu hành tinh/thiên thạch chỉ được phát hiện bằng kính thiên văn quang học (như ZTF) và chúng tôi chỉ có thể tìm kiếm chúng trên bầu trời đêm" - Paul Chodas, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái đất của NASA nói.
NASA có kế hoạch giải quyết những lỗ hổng này trong chương trình săn tìm tiểu hành tinh của mình. Cơ quan này đang trong giai đoạn đầu phát triển một kính viễn vọng không gian có thể phát hiện các tiểu hành tinh kích thước nhỏ hơn và sao chổi đến từ hướng Mặt Trời.