Một khi Trung Quốc giành được sự thống trị ở Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ tiến hành hiệu quả chiến lược kiểu “Phần Lan hóa” (Finlandize) các quốc gia như Việt Nam và Philippines, từ đó ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực ở châu Á, theo chuyên gia Robert D. Kaplan.
Trung Quốc tham vọng xây dựng "Hải quân Biển xanh" trên Biển Đông. |
Theo Wikipedia, Phần Lan hóa là quá trình một cường quốc gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên Chính sách của một nước láng giềng nhỏ hơn, trong khi vẫn để nước này độc lập và có hệ thống chính trị riêng biệt. Theo nghĩa đen, cụm từ ngày có nghĩa là “trở nên như Phần Lan”.
Cụm từ này thường được cho là có nghĩa tiêu cực, bắt nguồn từ cuộc chiến chính trị Tây Đức vào những năm 1960, 1970. Khi nó được sử dụng ở Đức và các quốc gia thuộc NATO khác, nó ám chỉ quyết định của một quốc gia không thách thức nhiều về đối ngoại đối với một quốc gia láng giềng mạnh hơn trong khi vẫn duy trì chủ quyền quốc gia. Nó thường được dùng để nói đến những chính sách của Phần Lan đối với Liên Xô trong suốt Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng nói đến những quan hệ quốc tế tương tự như là quan điểm của Đan Mạch với Đức vào năm 1871-1940 hay các chính sách của Thụy Sĩ đối với chế độ Phát xít Đức ngay sau chiến tranh thế giới thứ II.
Ở Phần Lan, khái niệm “Phần Lan hóa” được hiểu có tính chỉ trích thẳng thắn, bắt nguồn từ việc không thể hiểu được ứng xử của một nước nhỏ trước một siêu cường lân cận mà không đánh mất chủ quyền.
Lý do Phần Lan tuân theo chính sách Phần Lan hóa chủ yếu là vì vấn đề thực tế chính trị: Để tồn tại. Hay nói cách khác là ảnh hưởng từ Liên Xô trong nội chính Phần Lan làm sâu sắc thêm chính sách Phần Lan hóa.
Trong khi giới trí thức Phần Lan hầu hết đều hiểu Phần Lan hóa là ảnh hưởng của chính sách đối ngoại lên các nước khác, và chủ yếu là tiêu dùng nội địa của nước đó, thì nhiều người dân thường Phần Lan xem điều này mang tính phòng thủ cao độ. Như một họa sĩ trào phúng chính trị Phần Lan từng giải thích Phần Lan hóa là nghệ thuận cúi mình trước phương Đông mà không xúc phạm phương Tây.
Các chính sách đối ngoại của Phần Lan trước khi Phần Lan hóa đã phải trải qua nhiều thăng trầm như giành độc lập từ Nga, tham gia cuộc Chiến tranh dân sự Nga, nối lại hữu nghị với Đức Quốc xã để ngăn cản Liên Xô bành trướng…. Cuối cùng, các lãnh đạo Phần Lan nhận ra việc chống lại sự đi đầu của Liên Xô là không khả thi. Không có sức mạnh quốc tế nào có thể cho Phần Lan sự ủng hộ cần thiết. Đức Quốc xã thất bại trong chiến tranh còn Thụy Điển không đủ lớn mạnh. Vì vậy, Phần Lan phải tự đối mặt với người láng giềng hùng mạnh. Đến thế kỷ 19, Phần Lan quyết định không thách thức chính sách ngoại giao của Nga nhưng vẫn thận trọng giữ gìn nền độc lập của họ.
Từ bối cảnh chính trị sau giai đoạn cực đoan năm 1968, việc thích nghi với Liên Xô lan rộng đến lĩnh vực truyền thông, đặc biệt là các dạng tự kiểm soát, tự kiểm duyệt, và thái độ ủng hộ Liên Xô. Hầu hết những hãng truyền thông danh tiếng đều chuyển sang những giá trị mà Liên Xô ưa thích hay đồng tình. Điều này chỉ giảm bớt khi Mikhail Gorbachev lãnh đạo Liên Xô vào năm 1985.
Trong một bài phỏng vấn mới đây chuyên gia Robert D. Kaplan - nhà phân tích và nhà hoạch định chính sách nổi tiếng về Biển Đông và tham vọng của Trung Quốc, tác giả của những cuốn sách “Chảo dầu sôi của châu Á”, "Bóng ma Balkan"... nói về âm mưu Phần Lan hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã thực hiện thành công chiến lược “Phần Lan hóa”. Về cơ bản, Phần Lan vẫn là nước dân chủ, tự do nhưng lại bị hạn chế về chính sách đối ngoại do ảnh hưởng của Liên Xô. Vì vậy mà Phần Lan không thể gia nhập NATO hay làm những việc khác mà có thể làm suy yếu lợi ích của Liên Xô.
Ông Robert cho rằng, Biển Đông là yếu tố quan trọng trong bức tranh địa chính toàn cầu và đối với Trung Quốc cũng có vai trò tương tự như vùng Caribbean mở rộng (Greater Caribbean) đối với Mỹ trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Mỹ đã trở thành một siêu cường có sức mạnh địa chính trị rất lớn nhờ thống trị được vùng biển Caribbean.
Trung Quốc xây dựng trái phép các công trình tại Rặng Chữ Thập, quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: EPA |
Một khi Trung Quốc giành được sự thống trị ở vùng biển này, họ có thể vươn ra ngoài Thái Bình Dương rộng lớn hơn, qua eo biển Malacca và nhập vào Ấn Độ Dương – huyết mạch giao thương năng lượng toàn cầu, nơi dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Trung Quốc đi qua để đến các khu vực của châu Á.
Khi đó, Trung Quốc có thể sẽ tiến hành hiệu quả chiến lược kiểu “Phần Lan hóa” (Finlandize) các quốc gia như Việt Nam và Philippines, từ đó ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực ở châu Á.
“Phần Lan hóa” trong trường hợp của Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ vẫn tồn tại trên danh nghĩa độc lập, nhưng các thông số chính sách đối ngoại của họ về cơ bản sẽ được hoạch định ở Bắc Kinh. Chiến lược này cũng sẽ mang lại cho Trung Quốc hai đến ba bước tiến dài để thống trị Đài Loan.
Mỹ muốn ngăn chặn việc Trung Quốc "Phần Lan hóa" các quốc gia ven Biển Đông. Để như vậy, Mỹ đang và sẽ gây áp lực lên Trung Quốc, đẩy lùi ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực đến một mức độ nào đó để làm chậm lại quá trình trở thành một cường quốc quân sự thống trị của Trung Quốc ở Nam Á. Nhưng đồng thời, Washington cũng tránh một chiến tranh đối đầu với Trung Quốc, bởi vì mối quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới.
Là một nước có tranh chấp với Trung Quốc, Philippines đang muốn tận dụng ảnh hưởng của Mỹ đối với Trung Quốc nhưng Philippines rất yếu về mặt thể chế và thực lực quân sự.
Trung Quốc châm ngòi cho những căng thẳng trên Biển Đông còn là để giải quyết một số vấn đề bất ổn ở trong nước và đối phó với sự bất mãn về kinh tế và chính trị bằng cách khơi lên chủ nghĩa dân tộc. Càng có thái độ quyết đoán (hung hăng), các nhà lãnh đạo Trung Quốc càng gặt hái được nhiều sự ủng hộ hơn từ công chúng.
Theo Chi MK/Theo Wikipedia, Globe and Mail