Đại diện các nước ASEAN đã kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông để đạt được bước đi tiếp theo và giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
"Từ quan điểm của ASEAN cũng như các nước nhỏ, chúng tôi quan ngại về tranh chấp tại Biển Đông và địa chính trị (trong khu vực), về việc nó sẽ ảnh hưởng tới chúng tôi như thế nào", Hiệu trưởng ĐH Mở Wawasan, Malaysia, Tan Sri Dr Koh Tsu Koon cho biết.
Ông Koh Tsu Koon |
Ông Koh nói rằng nếu các tranh chấp không thể giải quyết thông qua đàm phán thì nó có thể được chuyển lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
"Nếu Trung Quốc tự tin về cơ sở lịch sử và pháp lý của các yêu sách mà họ đưa ra về vùng biển tranh chấp thì tại sao họ lại ngần ngại khi đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế?", ông Koh thắc mắc.
Theo tin tức trên Reuters, ngày 27/6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc là đất nước trải dài trên biển từ hàng nghìn năm trước và do đó, chắc chắn họ là quốc gia đầu tiên phát hiện, sử dụng và quản lý quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Nam Sa).
Ông Koh cho biết tất cả các nước ASEAN đã chấp nhận ICJ như một nền tảng chung để giải quyết các vấn đề.
Nghiên cứu sinh xuất sắc của ĐH Công nghệ Nam Dương, Singapore, Barry Desker đã chỉ ra rằng, mặc dù Singapore, Indonesia và Campuchia không tham gia và tranh chấp tại Biển Đông nhưng các nước này có quan điểm tương tự về vấn đề này.
Ông đưa ra ví dụ rằng ICJ đã giải quyết các trường hợp về chủ quyền tại Pedra Branca hay Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge có liên quan đến Malaysia và Singapore cũng như các tuyên bố liên quan đến Pulau Ligitan và Pulau Sipadan giữa Malaysia và Singapore.
Mặc dù việc cải tạo đất hiện nay tại vùng biển tranh chấp trở thành mối quan ngại đối với các nước ASEAN nhưng ASEAN vẫn mong muốn thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc cũng như quan tâm mở rộng thương mại và đầu tư với Bắc Kinh.
"Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia ASEAN đang hỗ trợ khái niệm Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng", ông Desker lưu ý.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc Ruan Zongze cũng chỉ ra rằng ASEAN đã kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh đàm phán về COC.
Tuy nhiên, Philippines mặt khác đã tìm đến tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp khi mà COC vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Về các yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông, ông Koh cho biết, mặc dù ASEAN được biết đến như một nhóm, khối 10 thành viên, nhưng lại không đưa ra lập trường mạnh mẽ để ủng hộ Philippines.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phát ngôn ASEAN đều lặp lại rằng yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây đã tạo ra xung đột tiềm ẩn trong khu vực.
ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, để tạo thỏa thuận ràng buộc về mặt phát lý theo hình thức một COC.
Tuy nhiên, hơn 1 thập kỷ sau đó, một Bộ quy tắc ứng xử vẫn chưa được ký kết.
Bảo Linh (Theo Bernama)