Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào hồi 7h ngày 1/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 123,6 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165-185km/giờ), giật cấp 17.
Trong 24 giờ tới, bão Goni di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc từ 20-25km/h và đi vào Biển Đông. Đến 7h ngày 2/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 118,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Trên Biển Đông, vùng nguy hiểm do bão Goni gây ra là từ vĩ tuyến 13,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 116,5 đến 120,0 độ Kinh Đông. Đây sẽ là những khu vực có gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão Goni di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với vận tốc 10-15 km/h. Đến7h ngày 4/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Khi đi vào Biển Đông, bão Goni đã giảm năng lượng đã kể, nguyên nhân là do bão đã ma sát với đảo Luzon của Philippines. Ngoài ra, do tác động của Không khí lạnh khiến mặt nước biển lạnh cũng giảm sức mạnh của bão. Di chuyển đến Biển Đông, bão Goni cũng đã đi được quãng đường khá dài, qua thời kỳ mạnh nhất của một cơn bão.
Dù bão Goni giảm sức mạnh nhưng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa vẫn đề nghị các Bộ, ngành, các tỉnh thành theo dõi chặt chẽ diễn biến bão. Chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển mà bão đi qua cần chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm, giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn cần túc trực, sẵn sàng để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.