Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương, vào hồi 13 giờ ngày 31/10, vị trí tâm siêu bão Goni ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 127,7 độ Kinh Đông, cách miền trung Phi-líp-pin khoảng 360km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220 km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 13 giờ ngày 01/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165 km/giờ), giật cấp 17.
Hướng di chuyển của bão Goni - tiền thân bão số 10 trên biển Đông
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 02/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
>> Xem thêm: Bão Goni không ngừng tăng cấp tiến sát Philippines, 3 kịch bản dự báo bão Goni đi vào biển Đông
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km.
Mặc dù đang là cơn bão gần biển Đông xong, chiều ngày 31/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đã nhanh chóng có công điện gửi các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và các bộ, ngành liên quan về phương án chủ động ứng phó trong trường hợp siêu bão Goni di chuyển vào Việt Nam.
Siêu bão Goni được xem là cơn bão mạnh nhất năm 2020
Ban chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới nhất của cơn bão và thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển. Các tỉnh, thành duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn luôn sẵn sàng để xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra.
Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển; hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn cho lồng bè tại các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ các công trình ven bờ biển.
Các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập cần có nguy cơ ngập lụt sâu, sạt lở đất cần được rà soát lại. Các tỉnh, thành phố cần chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở những khu vực này đến nơi an toàn.
>> Xem thêm: 'Quái vật' Goni chính thức trở thành siêu bão mạnh nhất Trái đất năm 2020, tăng tốc vào biển Đông
Các đơn vị tổ chức vận hành cần chủ động xả lũ nhằm đảm bảo an toàn cho các hồ đập thủy lợi, thủy điện; bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả do bão, lũ; huy động mọi phương tiện, nguồn lực để phục vụ công tác tìm kiếm, cứu hộ nạn nhân bị mất liên lạc...