Tin tức thế giới 24h: Tập Cận Bình khởi hành thăm Triều Tiên
Reuters dẫn nguồn truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết ông Tập sẽ ở thăm Triều Tiên trong hai ngày. Ông là lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc tới thăm Bình Nhưỡng sau 14 năm.
Các nhà phân tích cho rằng việc ông Tập chọn tới thăm Triều Tiên ở thời điểm này không phải là ngẫu nhiên. Tuần tới, chủ tịch Trung Quốc và các lãnh đạo Mỹ, Nga, Hàn Quốc sẽ đều tới Nhật Bản để tham dự G20. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch gặp ông Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh đó. Tại đây, hai người có thể sẽ thảo luận về chiến tranh thương mại và các cuộc đàm phán với Triều Tiên vốn đã bế tắc kể từ sau thượng đỉnh Kim - Trump tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Mặc dù ông Trump nói "không vội" để đạt được thỏa thuận với ông Kim nhằm củng cố một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại đặc trưng của mình thì thời gian vẫn đang trôi đi rất nhanh. Trong một bài phát biểu Chính sách quan trọng hồi tháng 4, ông Kim nói sẽ tới Mỹ vào cuối năm nay để thể hiện sự linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân.
Ông Kim đã gửi cho ông Trump một lá thư vào đầu tháng này. Điều này dường như thúc đẩy ông Trump có lập trường lạc quan hơn về khả năng đàm phán trong tương lai. "Tôi nghĩ điều gì đó sẽ xảy ra rất tích cực", Trump nói và nhắc lại "mối quan hệ rất tốt" giữa mình với ông Kim.
Tin tức thế giới 24h: Báo cáo viên LHQ: Thái tử Arab Saudi liên quan vụ sát hại Khashoggi
Riyadh đã nhận được báo cáo 100 trang nhưng chưa đưa ra phản ứng ngay lập tức. Arab Saudi thường xuyên bác bỏ các cáo buộc nói thái tử có liên quan tới vụ giết người.
Agnes Callamard, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về các vụ hành quyết phi pháp đã kêu gọi các nước mở rộng những biện pháp trừng phạt lên thái tử và các tài sản cá nhân của ông cho tới khi ông có thể chứng minh mình không chịu trách nhiệm.
Khashoggi, một người chuyên chỉ trích thái tử và là một chủ mục của tờ Washington Post được nhìn thấy lần cuối tại lãnh sự quán Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 2/10/2018, nơi ông đã nhận được giấy tờ trước lễ cưới của mình. Thi thể của ông đã bị chia cắt thành nhiều phần và bị chuyển ra khỏi tòa nhà và đến nay vẫn chưa được tìm thấy, công tố viên Saudi nói.
"Đây là kết luận của Báo cáo viên đặc biệt, đó là ông Khashoggi là nạn nhân của một vụ hành quyết có chủ ý, có toan tính, một vụ giết người phi pháp mà Arab Saudi chịu trách nhiệm theo luật nhân quyền quốc tế", Callamard nói trong báo cáo của mình dựa trên một cuộc điều tra kéo dài 6 tháng.
Callamard đã đến Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm nay cùng với một nhóm các chuyên gia pháp lý và pháp y. Bà đã nhận được bằng chứng từ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Báo cáo viên đặc biệt cho biết cuộc điều tra đã chỉ ra rằng có đủ bằng chứng xác thực liên quan tới trách nhiệm của thái tử yêu cầu điều tra thêm. Bà kêu gọi Tổng thư ký LHQ thành lập một cuộc điều tra quốc tế.
Nga lên tiếng việc 3 công dân bị truy nã vụ bắn rơi MH17
Nga lấy làm tiếc về các cáo buộc “hoàn toàn vô căn cứ” do các nhà điều tra quốc tế đưa ra liên quan tới vụ bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysian Airlines ở miền Đông Ukraine năm 2014, trong đó kết luận quân đội Nga có can dự, theo hãng tin RT ngày 19-6.
Các tuyên bố do Nhóm Điều tra chung (JIT) đưa ra trong cuộc họp báo vào ngày 19-6, liên quan tới các quân nhân Nga trong thảm họa máy bay Boeing MH17 của Malaysia, rất đáng tiếc. Lại một lần nữa, những cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ này được đưa ra chống lại Nga, nhằm làm mất uy tín của Nga trong mắt cộng đồng quốc tế”, Bộ Ngoại giao Nga thông báo trên trang web, theo hãng tin Anadolu.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, “tương tự các cuộc họp báo trước đây của JIT, cuộc họp báo lần này một lần nữa không đưa ra bằng chứng cụ thể để chứng minh cho các tuyên bố vô lý”.
Ngày 19-6, Nhóm Điều tra Chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu cáo buộc ba công dân Nga gồm Igor Girkin, Sergei Dubinsky và Oleg Pulatov và một công dân Ukraine tên Leonid Kharchenko đóng vai trò quan trọng trong vụ bắn rơi máy bay MH17 ở miền Đông Ukraine năm 2014, khiến toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng.
JIT nói rằng bốn cá nhân bị truy nã này đang chiến đấu cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Những người này đã nhận tên lửa đất đối không Buk từ Nga, rất có thể là được quân đội Nga cung cấp.
Tin tức thế giới 24h: Hàn Quốc quyên góp viện trợ 'khủng' cho Triều Tiên
Hàn Quốc đã thực hiện lời hứa sẽ quyên góp 4,5 triệu USD cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ và tuyên bố họ cũng đang cung cấp 50.000 tấn gạo để giao cho nước láng giềng phía bắc.
Triều Tiên cho biết họ đang phải đối mặt với hạn hán. Các cơ quan viện trợ LHQ nói rằng việc sản xuất lương thực giảm mạnh vào năm ngoái đã khiến hơn 10 triệu người Triều Tiên gặp rủi ro. "Đây là khoản tài trợ lớn nhất từ Hàn Quốc cho WFP CHDCND Triều Tiên kể từ năm 2008 và sẽ hỗ trợ từ 1,5-2 triệu trẻ em, Phụ nữ mang thai và các bà mẹ đang cho con bú", phát ngôn viên cấp cao của WFP Herve Verhoosel tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Verhoosel nói rằng sẽ cần nhiều viện trợ hơn để bù đắp cho những thiếu hụt. "WFP ước tính cần ít nhất 300.000 tấn lương thực, trị giá 275 triệu USD để tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do mất mùa liên tiếp".
Triều Tiên đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế về các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của mình. Trong khi hai miền Triều Tiên đã có những động thái tích cực vào năm ngoái để nỗ lực giải quyết bế tắc hạt nhân, những nỗ lực của Seoul với Bình Nhưỡng lại không đạt được nhiều thành công sau khi thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai hồi tháng 2/2019 không đạt được thỏa thuận.
Hàn Quốc sẽ làm việc với WFP để đưa viện trợ tới nhanh nhất có thể cho người dân Triều Tiên, Bộ Thống nhất nước này tuyên bố. "Thời gian và quy mô hỗ trợ lương thực cho Triều Tiên sẽ được xác định khi xem xét kết quả của việc cung cấp viện trợ lần này", bộ trưởng của Bộ này cho biết.
Tin tức thế giới 24h: Iran tuyên bố bắn hạ máy bay do thám Mỹ
Sputnik dẫn bản tin của hãng thông tấn quốc gia Iran (IRNA) cho biết, chiếc RQ-4 bị bắn rụng khi xâm nhập không phận của Iran, ở gần quận Kouhmobarak thuộc tỉnh Hormuzgan, miền nam nước này.
Quân đội Mỹ hiện chưa xác thực hay đưa ra bất kỳ bình luận nào trước thông tin trên.
Mối quan hệ Washington - Tehran bắt đầu xấu đi nghiêm trọng từ tháng 5/2018, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế JPCOA đã ký với Iran từ năm 2015, đồng thời tái áp đặt hàng loạt các lệnh cấm vận mới chống quốc gia Hồi giáo. Chính phủ Mỹ cũng đưa tên IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố và áp lệnh trừng phạt.
Căng thẳng ở Vùng Vịnh leo thang trong tuần qua sau khi các tàu chở dầu bị tấn công ở đây và Vịnh Oman lân cận. Mỹ và các đồng minh trong khu vực cáo buộc các lực lượng Iran đứng sau các sự cố này, trong khi Tehran nhất quyết phủ nhận có liên quan.
Tuyên bố của Iran về việc bắn hạ máy bay do thám không người lái Mỹ được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi Lầu Năm góc công bố điều thêm 1.000 quân, bao gồm cả một tiểu đoàn tên lửa Patriot, các máy bay do thám có người lái và không người lái, tới Trung Đông nhằm "đối phó với các mối đe dọa cả trên không, trên biển và dưới mặt đất".