Philippines yêu cầu đưa đoàn thủy thủ Trung Quốc ra xét xử
Ngày 16/6, đài ABS-CBN dẫn lời Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo bày tỏ “sự phẫn nộ sâu sắc” về vụ tàu Trung Quốc bị cáo buộc đâm chìm tàu Philippines rồi bỏ rơi 22 ngư dân. Bà Robredo nhấn mạnh những người liên quan phải bị xét xử theo các điều ước quốc tế và luật pháp Philippines.
Tuy nhiên, nữ chính trị gia này lo ngại Trung Quốc sẽ không thực thi công lý với những người phải chịu trách nhiệm cho vụ việc nếu nhìn vào tuyên bố mà Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đưa ra tối 14/6.
Bà cũng kêu gọi chính phủ thay đổi Chính sách từ bị động sang “can đảm hơn để khẳng định quyền lợi”.
Tối 9/6, tàu cá FB Gimver 1 của Philippines va chạm với tàu Trung Quốc gần bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Các ngư dân Philippines cho biết tàu Trung Quốc đã bỏ chạy sau khi làm chìm tàu của họ. Người Philippines đã phải chờ hàng giờ trước khi họ nhìn thấy một tàu Việt Nam thân thiện và được giải cứu.
Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ âm thầm vận động hành lang cho Huawei
Các nhà điều hành của những công ty sản xuất chip hàng đầu tại Mỹ là Intel và Xilinx Inc đã tham dự một cuộc họp với Bộ Thương mại vào cuối tháng 5 để thảo luận về phản ứng với việc Huawei bị đưa vào danh sách đen, một nguồn tin nói với Reuters. Lệnh cấm cấm các nhà cung cấp Mỹ bán hàng cho Huawei mà không có sự chấp thuận đặc biệt bởi chính phủ quan ngại những vấn đề an ninh quốc gia. Qualcomm cũng đã thúc ép Bộ Thương mại về vấn đề này, 4 nguồn tin cho biết.
Theo các nhà sản xuất chip, những đơn vị của Huawei bán các sản phẩm như Smartphone và máy chủ thường sử dụng bộ phận có sẵn và không có khả năng gây quan ngại an ninh giống như thiết bị mạng 5G của công ty. "Đây không phải là việc giúp Huawei mà là ngăn tổn hại cho các công ty Mỹ", một trong số các nguồn tin nói.
Trong số 70 tỷ USD mà Huawei đã chi ra để mua các linh kiện trong năm 2018, khoảng 11 tỷ USD được chuyển đến cho các công ty Mỹ trong đó có Qualcomm, Intel và Micron Technology Inc. Một người biết về tình trạng của Qualcomm cho biết công ty muốn có thể tiếp tục vận chuyển chip đến cho Huawei để sản xuất những thiết bị phổ biến như điện thoại, đồng hồ thông minh.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), một nhóm thương mại thừa nhận họ đã thay mặt các công ty sắp xếp các cuộc thương lượng với chính phủ Mỹ để giúp họ tuân thủ và nói ngắn gọn về tác động của lệnh cấm này với các công ty. "Đối với các công nghệ không liên quan đến an ninh quốc gia, có vẻ chúng không nên nằm trong phạm vi của lệnh cấm. Và chúng tôi đã truyền đạt quan điểm này đến chính phủ", ông Jimmy Goodrich, phó chủ tịch chính sách toàn cầu tại SIA cho biết.
Truyền thông Trung Quốc tố Mỹ 'đạo đức giả' vì can thiệp vào Hong Kong
Ngày 15/6, trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cho biết dự luật dẫn độ của Hong Kong sẽ bị hoãn lại vô thời hạn sau một tuần biểu tình bạo lực và các nhà hoạt động kêu gọi bà từ chức ngay lập tức. Trong bài xã luận ra ngày 17/6, tờ China Daily của Trung Quốc cho biết sự ủng hộ của Trung Quốc với bà Lam sẽ "không dao động, không phải đối mặt với bạo lực đường phố hay sự can thiệp có chủ ý xấu từ chính phủ nước ngoài".
Một phát ngôn viên của Lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong hoan nghênh quyết định của bà Lam và kêu gọi chính quyền của bà cần tính đến quan điểm của cộng đồng trong nước cũng như cộng đồng quốc tế nếu muốn thay đổi luật dẫn độ, đặc biệt là liên quan đến Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, tờ China Daily cho biết "những thỏa thuận dẫn độ người chạy trốn hoàn toàn là một vấn đề nội bộ" và các nước như Anh hay Mỹ không nên nói gì về vấn đề này. "Thật vậy, điệu bộ làm ra vẻ mộ đạo của họ thật giả tạo, sự ồn ào của họ là có mục đích xấu, xúi giục chống chính phủ và kích động sự vô pháp luật".
Trong một bài xã luận khác, tờ Hoàn cầu Thời báo cảnh báo Mỹ không nên sử dụng Hong Kong làm "lá bài thương lượng" để có được sự thỏa hiệp trương các cuộc đàm phán thương mại. "Những cuộc bạo loạn ở Hong Kong sẽ chỉ củng cố thêm lập trường cứng rắn của Bắc Kinh chống Washington", tờ báo viết.
Hàng nghìn người dân Hồng Kông tiếp tục biểu tình, yêu cầu trưởng đặc khu từ chức
Đám đông người biểu tình mặc áo đen xuất hiện chật kín Công viên Victoria và lấp đầy các ga tàu điện ngầm trên khắp Hong Kong trong một cuộc tuần hành lớn vào chiều Chủ nhật 16/6 nhằm chống lại dự luật dẫn độ của chính phủ.
Đến khoảng 15h, biển người từ từ di chuyển dọc theo đường Yee Wo, nhập với đám đông trên hai con đường Sugar và Pennington. Họ hô vang khẩu hiệu yêu cầu Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải xin lỗi và từ chức: "Bà Lâm, hãy từ chức"; "Rút hoàn toàn dự luật dẫn độ"; "Người biểu tình không gây bạo loạn", "Hãy để sinh viên tuần hành tự do".
Hầu hết các cửa hàng trên đường Hennessy đều đóng cửa nhưng Alex Tsang, chủ một nhà hàng đã mở điểm phục vụ nước cho người biểu tình. "Cố gắng lên những người Hong Kong. Hãy đến lấy nước nếu bạn cảm thấy mệt mỏi vì đi bộ", tấm biển treo bên ngoài nhà hàng của Tsang viết.
Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ tối hậu thư Mỹ, chuẩn bị nhận tên lửa S-400
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không từ bỏ hợp đồng mua tên lửa S-400 "nhiều lợi ích" từ Nga, bất chấp sức ép của Mỹ.
Tổng thống Erdogan khẳng định Ankara sẽ không hủy thỏa thuận mua tên lửa S-400 với Moskva. "Chúng tôi đã ký thỏa thuận và hoàn tất hợp đồng. Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lợi ích, trong đó có khoản vay với lãi suất ưu đãi chưa từng có trên thị trường thế giới", lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm.
Chính phủ Mỹ trước đó ra hạn chót ngày 31/7 để Thổ Nhĩ Kỳ hủy hợp đồng mua S-400 với Nga. Nếu Ankara không thực hiện yêu cầu, toàn bộ phi công và kỹ thuật viên Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện với tiêm kích F-35A tại Mỹ sẽ bị trục xuất, đồng thời Ankara cũng bị loại khỏi dự án F-35.
Giới chuyên gia nhận định việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 sẽ gây rạn nứt lớn chưa từng có cho quan hệ giữa Washington và Ankara, vốn đã căng thẳng do nhiều vấn đề như chiến lược tại Syria và biện pháp trừng phạt Iran.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận mua tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017. Mỹ liên tục phản đối hợp đồng này, cho rằng Nga có thể đưa chuyên gia tới Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp cận mạng lưới phòng không NATO, cũng như nghiên cứu tiêm kích tàng hình F-35 để nắm thông tin tác chiến bí mật, xóa bỏ ưu thế của chiến đấu cơ đắt nhất thế giới.